Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Cuộc hồi sinh đứa trẻ 2 lần bị bỏ vào rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lúc mới 7-8 tháng tuổi, cô bé Xen (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã 2 lần bị bỏ trong rừng do lệ tục “đen”. Nhờ những tấm lòng nhân ái, Xen may mắn sống sót. Cô bé ấy bây giờ ra sao?

Chuyện bé Xen xảy ra ở một ngôi làng xa xôi nhiều năm trước. Khi đứa trẻ sinh ra mà mẹ mất hoặc chửa hoang thì nhiều gia đình chọn cách... bỏ luôn đứa trẻ. Lệ tục “đen” đó là nỗi ám ảnh đối với nhiều gia đình, dù nay hủ tục này đã bị đẩy lùi nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương và của nhiều phía khác.

Ngày của... tai họa

Gọi là ngày của... tai họa cũng chẳng sai chút nào. Bởi ngày ấy khởi đầu cho chuỗi ngày cùng cực của chị Jek ở xã Kon Chiêng. Lấy chồng bao năm, chưa kịp đón những ngày vui, vợ chồng chị phải quần quật làm việc để kiếm cái ăn cho đàn con. Đứa lớn chập chững đi, đứa nhỏ đã lấp ló sau cái bụng lùm lùm của chị. Cứ thế, 8 đứa con lần lượt ra đời. Cái khổ bám riết lấy gia đình chị trong guồng quay mưu sinh.

Ông Tuing và cháu Qua. Ảnh: T.H

Ông Tuing và cháu Qua. Ảnh: T.H

Chị Jek lúc ấy đang hoài thai đứa con thứ 9. Một buổi tối như thường lệ, chồng chị ra suối soi cá kiếm cái ăn cho gia đình sau 1 ngày quần quật trên rẫy. Xui rủi thế nào, người chồng bị đột quỵ, ngã nơi bờ suối. Ở nhà, chị Jek cứ chờ mãi, chờ mãi đến khuya mà không thấy chồng về. Tầm 11 giờ đêm là phải về để còn nghỉ, mai đi làm sớm. Thấy lòng như lửa đốt, linh tính có chuyện chẳng lành, chị bỏ lại mấy đứa nhỏ trong nhà rồi gõ cửa hàng xóm nhờ đi tìm chồng.

Người đốt đèn, người gọi nhau đi vào con suối nơi chồng chị Jek thường soi cá ban đêm. Chị Jek như chết lặng khi nghe ai đó hét lên: “Sao nó nằm đây, không thở được rồi!”. Chị đẩy mọi người ra chạy tới, nhưng người chồng đã lạnh ngắt tự bao giờ. Tiếng òa khóc chất chứa bao chuyện tủi khổ phận đời như lan ra cả dòng suối trong đêm khuya vắng vẻ.

Lo tang ma cho chồng xong, chuyện khổ nữa lại đến. Một mình chị Jek quay cuồng với cái ăn, cái mặc của 8 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Căn nhà tuềnh toàng nơi góc làng buồn tênh. Người làng cũng thương nhưng hoàn cảnh của họ đâu có khấm khá gì để giúp đỡ.

Rồi thêm bi kịch. Thấy bụng chị Jek lùm lùm sau khi chồng qua đời, người làng xì xầm rằng chị có con với người khác. Ngày vượt cạn, chị bật khóc khi đón con gái cất tiếng khóc chào đời. Bỏ qua mọi lời giải thích, già làng phán rằng đó không phải là con của vợ chồng chị, phải phạt vạ và buộc phải bỏ đứa trẻ.

Hai lần bị bỏ vào rừng

Đấy là câu chuyện buồn của 13 năm về trước. Và đấy cũng là sự nghiệt ngã của một lệ tục “đen” thời điểm đó. Sức ép của già làng và những người dân trong làng như sợi dây oan nghiệt siết dần cuộc sống của 9 mẹ con chị Jek. Bé gái được đặt tên là Xen, lớn lên trong nỗi lo sợ của người mẹ.

Cứ đi làm là chị Jek địu con theo, không dám để ở nhà vì sợ sự quá khích của người làng trỗi dậy sẽ có điều không hay với con gái. Mưa cũng như nắng, 2 mẹ con lầm lũi trên rẫy xa. Thi thoảng, tiếng chim lạc bầy từ xa vọng lại buồn da diết.

Căn nhà của vợ chồng ông Tuing. Ảnh: T.H

Căn nhà của vợ chồng ông Tuing. Ảnh: T.H

Cứ vậy, bé Xen lớn lên trong đói khổ, trong nỗi lo nơm nớp của người mẹ khốn khó. Bỏ con ư, chị Jek không đành! Khổ thì cũng đã quá khổ rồi. Mỗi lần nghĩ đến chuyện không hay, người mẹ ấy lại không ngăn được nước mắt. Nhưng rồi, chuyện gì đến cũng phải đến. Sức ép của già làng, của cộng đồng cứ lớn dần, lớn dần. Đến một ngày sau khi cho Xen ăn no, chị Jek đem con vào bìa rừng, gói trong tấm dồ rồi vừa khóc vừa chạy về nhà. Lúc ấy, Xen mới 7 tháng tuổi.

Nhưng cháu bé tội nghiệp chưa dứt số trần gian. Sáng hôm sau, một nhóm người vào rừng phát hiện được bé Xen đang khóc nấc do bị côn trùng cắn. Cháu đã thoát khỏi những con thú hoang sau cái đêm oan nghiệt ấy. Họ biết chuyện nên đã mang bé trả về cho người mẹ tội nghiệp. Nhận lại con, chị Jek chỉ biết khóc và khóc.

Gần 1 tháng sau, chuyện kinh hoàng ấy tiếp diễn khi chị Jek không thể chịu nổi sức ép. Bé Xen lại may mắn hay do mẹ đã cố ý bỏ con ở nơi dễ tìm thấy để nếu may mắn có người đưa về nuôi. Hôm ấy, ông Tuing đang tưới cà phê trong vườn nhà ở làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) thì nghe người bà con gọi điện báo.

Ông Tuing hồi nhớ: “Họ nói có nhận con nuôi không thì vào gấp. Sau đó, vợ chồng mình cùng con trai bỏ cả máy móc, dây ống đang tưới, vượt đường xa gần 50 km từ 6 giờ sáng. Đến nơi, thấy đứa nhỏ đen nhẻm, gầy gò, lại đang trần truồng, người đầy vết côn trùng cắn và đang khóc. Nhưng vợ chồng mình quyết rồi, sau khi Jek đồng ý, mình nhận cháu về nuôi. Trên đường về, cả nhà ghé chợ mua quần áo cho cháu vì chỉ có tấm dồ quấn quanh người. Mấy người trong chợ khi nghe chuyện đã cho cháu 2 bộ quần áo mới”.

Cực khổ cũng nuôi con nên người

Bé Xen được ông Tuing đặt tên là Qua. Ông nói tên này nghĩa là cháu đã qua đây với gia đình mình. Đơn giản vậy thôi! Nhưng việc nuôi đứa trẻ lại không hề đơn giản. Bé mới 8 tháng tuổi, bị suy dinh dưỡng, gầy đét, lại hay đau vặt.

Vợ chồng ông Tuing nhiều đêm thức trắng cùng bé Qua mỗi khi trái gió trở trời. Người ta hay nói “công cha mẹ nuôi con trời biển” quả không sai. Nhìn bé Qua ổn dần và chập chững tập đi, bà Hyenh-vợ ông Tuing-nở nụ cười tươi. Mắt ông Tuing cũng lấp lánh niềm vui.

Ông Tuing khoe thành tích học tập của con gái nuôi. Ảnh: T.H

Ông Tuing khoe thành tích học tập của con gái nuôi. Ảnh: T.H

Bé Qua rất sáng dạ, là học sinh giỏi nhiều năm liền. “Cháu học chậm 2 năm, giờ mới học lớp 5 là do làm chậm thủ tục khi cháu vào lớp 1. Hai năm liền, mình phải chạy tới chạy lui từ xã đến tỉnh mới làm được thủ tục để cháu được đến trường. Dù khổ đến mấy cũng phải làm được, phải cho con đến trường”-ông Tuing tâm sự.

Gia cảnh của ông Tuing cũng chả khá giả gì. Vợ chồng ông có 2 mặt con, 1 trai, 1 gái. Người con trai đầu năm nay 37 tuổi, có với một cô gái trong làng 2 đứa con nhưng chưa đăng ký kết hôn. Một ngày, cô bỏ đi lấy chồng khác, để lại cho vợ chồng ông 2 đứa cháu gái. Vậy là, vợ chồng ông nuôi thêm 2 đứa cháu 11 tuổi và 9 tuổi. Còn cô con gái 34 tuổi thì làm việc ở một nhà thờ tại TP. Hồ Chí Minh. Gia đình ông có 3 sào cà phê, ít ruộng nước đủ lúa ăn và chăn nuôi thêm. Ngày nghỉ, ông và con trai đi làm thuê kiếm tiền để nuôi 2 đứa cháu và con nuôi ăn học.

Hỏi tuổi, ông Tuing chỉ lắc đầu cười: “Không biết chắc chắn đâu, tầm khoảng 65 gì đấy. Ngày xưa, bố mẹ sinh ra có làm giấy tờ gì đâu mà biết. Mấy năm trước làm giấy khai sinh cho bé Qua, vợ chồng mình phải ra làm đăng ký kết hôn để có cơ sở đấy. Hồi xưa cưới nhau, vài ghè rượu, con heo, thêm mấy con gà nữa là xong. Ai biết giấy tờ gì đâu. Khổ thì khổ rồi, nghĩ phải cố gắng nuôi Qua và phụ con trai nuôi 2 đứa cháu nên người. Cháu Qua học giỏi đấy, biết hát cả mấy bài tiếng Anh và mạnh dạn nữa”.

Chiều muộn, ông cùng tôi ra thăm bé Qua ở khu nội trú của Trường Tiểu học dân lập Trương Vĩnh Ký (thị trấn Đak Đoa). Bé ở đây cùng với 2 đứa cháu nội của ông Tuing đến cuối tuần mới về nhà. Thấy ông Tuing, Qua chạy ùa ra ôm lấy rồi khoe: “Hôm nay, con được điểm giỏi đấy, bố thưởng đi”. Nói xong, cô bé nghiêng nghiêng gò má về phía ông, nở nụ cười lém lỉnh. Ông Tuing đưa tay xoa xoa đầu con gái rồi cúi xuống “thơm” vào gò má đó. Hai cha con cùng nở nụ cười đầy hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm