Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn" qua góc nhìn của George Dutton

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sách “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn”(The Tây Sơn uprising) của tác giả người Mỹ George Dutton-Giáo sư bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á thuộc Trường Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Mỹ. Ông từng giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, đồng thời là tác giả nhiều sách viết về xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX.
Tác phẩm này được hình thành trên cơ sở luận án Tiến sĩ từ năm 1994 đến năm 2001 khi ông làm việc tại Trường Đại học Washington. Lần đầu tiên tác phẩm này được xuất bản tại Trường Đại học Hawaii năm 2006. Ở Việt Nam, tập sách do tác giả Lê Nguyễn dịch, DTBooks và Nhà Xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phối hợp xuất bản và phát hành trên toàn quốc từ tháng 4-2019. Nội dung chính của tác phẩm này được chia làm 4 chương: Thời kỳ Tây Sơn và thế kỷ XVIII ở Đại Việt; các nhà lãnh đạo đòi chiếm quyền bính; giới nông dân-đời sống dưới chính quyền Tây Sơn; những kẻ sống bên lề cuộc nội chiến-người cơ đốc giáo, hải tặc và các thành phần khác.
 Cuốn sách “The Tây Sơn uprising” bản tiếng Việt. Ảnh: internet
Cuốn sách “The Tây Sơn uprising” bản tiếng Việt. Ảnh: internet
Công trình nghiên cứu về nhà Tây Sơn của Giáo sư George Dutton được thực hiện khá công phu, tỉ mỉ với thái độ hết sức cầu thị. Ông đã dành thời gian đến nghiên cứu tại Việt Nam, tìm hiểu trong các kho tư liệu có liên quan, tham vấn các nhà sử học hiện nay, đồng thời về tận quê hương Bình Định của ba anh em nhà Tây Sơn, nơi phát tích cuộc nổi dậy, tìm đọc nhiều công trình nghiên cứu cũng như các truyền thuyết ở địa phương xung quanh “phong trào nông dân” này. Nhìn chung, qua công trình nghiên cứu về nhà Tây Sơn, tác giả đã cố gắng đưa ra những cứ liệu lịch sử tương đối khách quan để minh chứng cho các luận điểm của mình. 
Qua cấu trúc của công trình lịch sử này, người đọc nhận thấy rằng tác giả chú trọng và đi sâu vào 2 chương: chương III (Giới nông dân-đời sống dưới chính quyền Tây Sơn) và chương IV (Những kẻ sống bên lề cuộc chiến). Đây là 2 chương mà tác giả sử dụng nhiều nhất các tài liệu của nước ngoài, nhất là của các giáo sĩ Cơ đốc giáo sang truyền đạo ở Đàng Ngoài và Đàng Trong của Đại Việt. Có nhiều vấn đề mà tác giả nghiên cứu đưa ra những nhận định chưa thật sự thấu đáo và khoa học, không đủ cứ liệu lịch sử để nhìn nhận nó một cách xác thực. Từ chỗ tác giả cho rằng, cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn không như là cuộc nổi dậy của người nông dân, “đó là cụm từ không chính xác vì chứng cứ chủ yếu cho thấy những người lãnh đạo của nó không phải là nông dân” và ông đi đến lập luận “chính những người nông dân Việt đã chịu đựng đau khổ gần như tức khắc dưới bàn tay của chế độ do anh em nhà Tây Sơn thiết lập”. 
Chúng ta biết rằng, giai đoạn lịch sử Đại Việt trong thế kỷ XVII, XVIII và cả trong thời Nhà Nguyễn trị vì, người dân Việt nói chung và nông dân Việt chịu nhiều đau thương nhất vì sự phân tranh chia năm xẻ bảy, vua Lê-chúa Trịnh; cuộc chiến Trịnh-Mạc, nhà Mạc cố thủ vùng đất Cao Bằng; chúa Nguyễn Đàng Trong gây thanh thế, mở rộng về phương Nam, đánh đuổi người Chiêm Thành, Chân Lạp… Những cuộc chiến xảy ra triền miên dẫn đến sưu cao thuế nặng, người dân bị bắt tham gia vào các cuộc tranh giành quyền lực, tiêu hao nhân mạng, mùa màng thất bát, nạn đói thường xuyên khiến mọi nhà lâm vào cảnh bần cùng. Chính vì bị nhiều tầng áp bức đến đường cùng, đa phần nhân dân nói chung và tầng lớp nông dân Việt bấy giờ mới tập hợp đứng dậy dưới ngọn cờ của Tây Sơn, từ đó lan rộng thành phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Vì nông dân đói khổ ở thời kỳ này mà đổ lỗi cho nhà Tây Sơn (từ khi dấy binh đến khi sụp đổ chỉ tròn 30 năm) thì không khách quan và thiếu cái nhìn biện chứng lịch sử.
Dù có những điều mà có thể nhiều người Việt hiện nay chưa đồng tình với tác giả, nhưng với cách nhìn nhận, đánh giá của người nghiên cứu lịch sử như George Dutton là đáng trân trọng. Trong phần kết luận, ông có viết: “Tôi đã cố tách khỏi cách chép sử có tính phê phán quá đáng của nhà Nguyễn và cũng tách khỏi cách viết tiểu sử các vị thánh của những nhà lãnh đạo cuộc nổi dậy và sự vinh danh những người nông dân cao thượng đã trở thành chủ đề nổi bật của phần lớn giới học thuật cuối thế kỷ XX”. Nhưng người đọc cũng muốn nhắn gửi đến tác giả là cần thận trọng hơn với những tư liệu, nhận xét của các giáo sĩ nước ngoài ở Đại Việt bấy giờ về phong trào Tây Sơn vì thường họ mang nặng dấu ấn chủ quan và thiếu thông tin chính thống.
 BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm