Phóng sự - Ký sự

"Đại phẫu" các ban quản lý rừng-Kỳ 1: Rừng mất,đất lâm nghiệp bị xâm chiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai hiện có 21 Ban Quản lý Rừng phòng hộ được giao quản lý, bảo vệ hơn 329.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, qua thanh tra, kiểm tra tại nhiều đơn vị, ngành chức năng đã phát hiện những sai phạm như để mất đất, mất rừng; có dấu hiệu lập khống chứng từ để chiếm đoạt tiền ngân sách... Trước những sai phạm nghiêm trọng đó, tỉnh và các ngành chức năng đang rốt ráo triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh, cải tổ các Ban Quản lý Rừng phòng hộ với kỳ vọng rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Được giao quản lý bảo vệ rừng nhưng nhiều Ban QLRPH lại để mất rừng, để đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong thời gian dài mà không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Hậu quả là không ít cán bộ liên quan đã bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố.
Nhiều đơn vị để mất rừng
Những ngày giữa tháng 10, nhận được tin báo của người dân về việc tại lô 13, khoảnh 4, tiểu khu 1064 (núi Cheng Leng, xã Hbông, huyện Chư Sê) xảy ra một vụ phá rừng nghiêm trọng, chúng tôi tức tốc xuống hiện trường. Sau khi vượt quãng đường gần trăm cây số bằng xe máy rồi cuốc bộ qua mấy ngọn núi cao, trước mắt chúng tôi là một vạt rừng với hàng trăm cây gỗ bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Cây lớn nhất có đường kính gần 40 cm. Nhiều cây gỗ bị đốn hạ dấu còn mới, đa phần còn nguyên thân. Trên các gốc cây bị “xẻ thịt” đều có đánh dấu của ngành chức năng.
2,5 ha rừng phòng hộ trên núi Cheng Leng thuộc quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa bị chặt phá. Ảnh: Q.T
2,5 ha rừng phòng hộ trên núi Cheng Leng thuộc quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa bị chặt phá. Ảnh: Q.T
Theo báo cáo của UBND huyện Chư Sê, khu vực rừng bị phá nói trên đã được ngành chức năng phát hiện vào khoảng cuối tháng 8-2018. Diện tích rừng bị phá là 2,5 ha, quy hoạch rừng phòng hộ, thuộc quản lý của Ban QLRPH Ayun Pa. Trên diện tích này có tổng cộng 336 gốc cây bị chặt, chủng loại cây gồm: dầu, cà chít, căm xe, vừng, gòn, gáo (từ nhóm II đến nhóm VIII), đường kính gốc chặt từ 10 cm đến 37 cm, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường hơn 11,2 m3. Thời điểm phát hiện, ngành chức năng không xác định được đối tượng vi phạm. Vụ việc đã được UBND huyện chỉ đạo cơ quan Công an điều tra.
Theo ông Nay Rcom Jem-Trưởng ban QLRPH Ayun Pa, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh khi lên núi Cheng Leng để kiểm tra đời sống của các hộ dân nơi đây đã phát hiện vị trí phá rừng trên và yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. “Thực tế thì trước khi Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát hiện và chỉ đạo xử lý, Ban cũng đã phát hiện vụ việc và lập biên bản với diện tích rừng bị phá gần 1 ha nhưng không xác định được đối tượng vi phạm. Các đối tượng đã cắt cây rồi phun thuốc diệt cỏ để khai hoang”-ông Jem nói.
Cũng theo ông Jem, ngoài 2,5 ha rừng phòng hộ bị phá trên núi Cheng Leng, có hơn 130 ha đất do đơn vị quản lý đã bị người dân xâm chiếm để sản xuất nông nghiệp. Việc xâm chiếm diễn ra suốt hàng chục năm nay. Ban đang rà soát, thống kê danh sách người dân canh tác trên diện tích đất nói trên để báo cơ quan chức năng có hướng xử lý.
Ngoài Ban QLRHP Ayun Pa, theo các kết luận của Thanh tra tỉnh, thời gian qua, nhiều Ban QLRPH trên địa bàn tỉnh cũng để mất rừng, để người dân xâm chiếm đất lâm nghiệp. Cụ thể, tại Ban QLRPH Ia Grai, diện tích rừng bị mất, cháy là hơn 360 ha và bị chết trên 119 ha. Diện tích đất lâm nghiệp của Ban QLRPH Ya Hội bị xâm chiếm hơn 882 ha, trong đó đất lâm nghiệp có rừng 166 ha, đất không có rừng hơn 715 ha. Tại Ban QLRPH Bắc Biển Hồ, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, mất quyền sử dụng là hơn 2.400 ha và thiệt hại 278 ha rừng. Còn theo báo cáo của UBND thị xã An Khê, diện tích thuộc quản lý của Ban QLRPH Bắc An Khê bị người dân lấn chiếm là hơn 1.100 ha.
Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật
Nói về lý do để rừng và đất lâm nghiệp trên núi Cheng Leng bị phá và bị xâm chiếm, ông Nay Rcom Jem cho biết, đơn vị được giao quản lý hơn 9.300 ha rừng và đất lâm nghiệp nằm trải dài qua 3 huyện: Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa. Trong khi đó, Ban có 16 viên chức nhưng chỉ có 9 người trực tiếp làm công tác quản lý bảo vệ rừng. Lực lượng mỏng khiến việc kiểm soát, kiểm tra rừng không được chặt chẽ. Công cụ hỗ trợ cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn thiếu, nhiều lúc đi tuần tra rừng thì “tận dụng được gì thì tận dụng”, kể cả gậy gộc. Lâm tặc thấy anh em thiếu công cụ hỗ trợ nên được đà lấn tới và liều lĩnh hơn. Mặt khác, khu vực núi Cheng Leng có địa hình cách trở, người dân lên sinh sống từ rất lâu, việc xâm canh cũng diễn ra nhiều năm nên rất khó quản lý.
 2,5 ha rừng phòng hộ trên núi Cheng Leng thuộc quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa bị chặt phá. Ảnh: Q.T
2,5 ha rừng phòng hộ trên núi Cheng Leng thuộc quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa bị chặt phá. Ảnh: Q.T
Cũng theo ông Jem, đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên núi Cheng Leng bị mất, theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị đã họp kiểm điểm xem xét trách nhiệm cá nhân được giao phụ trách khu vực. Trong cuộc họp, Ban đã thống nhất hình thức kỷ luật khiển trách đối với 5 viên chức; kiểm điểm rút kinh nghiệm 2 viên chức từng được phân công phụ trách khu vực núi Cheng Leng. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ đạo kiểm điểm xem xét trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị.
Ông Nguyễn Hồng Lâm-Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Cơ quan Công an vẫn đang tiến hành điều tra các sai phạm ở các Ban QLRPH Ya Hội, Bắc An Khê, Ia Grai. Năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức họp kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm. Hội đồng kỷ luật của sở đã họp xét kỷ luật đối với lãnh đạo các Ban QLRPH Ya Hội, Bắc An Khê. Theo đó, kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trương Duy Sinh-Trưởng ban QLRPH Ya Hội vì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, để mất rừng tự nhiên, rừng trồng và để đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong thời gian dài; kỷ luật khiển trách ông Đỗ Hữu Long-Phó Trưởng ban QLRPH Bắc An Khê vì buông lỏng công tác quản lý, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành để đất rừng bị lấn chiếm; kiểm điểm, phê bình rút kinh nghiệm sâu sắc trước lãnh đạo sở đối với ông Phan Thanh Hải-Trưởng ban QLRPH Bắc An Khê vì để 2,1 ha đất rừng bị lấn chiếm trong thời gian từ tháng 10-2013 đến tháng 9-2017. Còn tại Ban QLRPH Ia Grai, khi có kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan Công an, tùy theo mức độ sai phạm, Sở sẽ xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo đúng quy định.
Trong khi đó, cơ quan Công an vẫn đang điều tra làm rõ sai phạm tại Ban QLRPH Bắc Biển Hồ. Hiện cơ quan Công an đã khởi tố ông Nguyễn Đức-nguyên Trưởng ban về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; khởi tố ông Tưởng Tín-nguyên Trưởng ban về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ; khởi tố ông Đặng Văn Cườm-Kế toán về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm