Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

"Đại thụ" làng Phung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 20 năm qua, với vai trò Trưởng thôn rồi Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Phung (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), ông Siu Bi Ai đã vận động người dân thi đua lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Ông Bi Ai kể: Khi mới lập gia đình, do ít đất sản xuất, không vốn liếng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, ông phải làm thuê để có tiền trang trải sinh hoạt và nuôi 8 người con. Cùng với đó, ông chăm chỉ khai hoang để trồng cà phê, bắp, mì. Không những thế, ông còn tích cực học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt của các hộ dân trong vùng, đồng thời chủ động tham gia tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng-chống dịch bệnh cho cây trồng để từng bước nâng cao thu nhập. Ông vừa chăm sóc cà phê, vừa chăn nuôi để “lấy ngắn nuôi dài” và tích lũy vốn. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình từng bước ổn định. Đến nay, gia đình ông đã có 3,4 ha cà phê, 1,2 ha lúa, 9 con bò sinh sản, 5 con heo, mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Siu Bi Ai (bìa trái) trao đổi với phóng viên về xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: R'Ô HOK


Làng Phung có 280 hộ, 567 khẩu với hơn 90% là người Jrai. Trước đây, bà con quen trồng trọt theo phương thức truyền thống nên năng suất đạt thấp. Do đó, ông Bi Ai thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tham gia các lớp tập huấn nông nghiệp, tìm tòi trên sách báo để học hỏi, tiếp cận những mô hình hiệu quả của các hộ nông dân tại địa phương. “Thời điểm cây hồ tiêu bị bệnh hại, giá giảm mạnh, tôi đã vận động những hộ dân có diện tích hồ tiêu bị chết chuyển sang trồng các loại cây phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Để bà con làm theo, tôi đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây cà phê giống TR4. Ưu điểm của giống cà phê này là sinh trưởng mạnh, khả năng kháng bệnh tốt. Đối với những gia đình còn khó khăn, tôi tận tình hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê”-ông Bi Ai nói.

Ông Kpuih Mlưih chia sẻ: “Gia đình tôi có 1,5 ha đất. Ngày trước, tôi trồng bắp, mì, đậu và lúa. Được ông Bi Ai chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ về kỹ thuật, tôi đã chuyển sang trồng cà phê, mỗi năm thu về khoảng 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Từ năm 2013, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Được người dân tín nhiệm, từ năm 1999 đến năm 2021, ông Bi Ai đảm trách cương vị Trưởng thôn. Từ năm 2021 đến nay, ông là Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Phung. Phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, ông Bi Ai tích cực tuyên truyền bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân không nghe theo lời xúi giục, âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động theo tổ chức FULRO, “Tin lành Đê ga”, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; vận động người dân đoàn kết, tham gia xây dựng nông thôn mới.  “Để làm gương, tôi đã tự nguyện hiến 200 m2 đất, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương đến vận động, giải thích và thuyết phục từng gia đình về chủ trương mở rộng đường là phục vụ nhu cầu đi lại của mọi người trong làng. Vì vậy, bà con đã hiến hơn 1.000 m2 đất để mở rộng các tuyến đường. Đến nay, 60% con đường trong làng được bê tông hóa, cứng hóa”-ông Bi Ai tâm sự.

Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Cường-Bí thư Đảng ủy xã Ia Phang-cho biết: Nhờ có ông Siu Bi Ai thường xuyên hỗ trợ, phối hợp cùng hệ thống chính trị của địa phương để tuyên truyền, vận động dân làng mà các chương trình như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… được triển khai hiệu quả. Năm 2013, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; năm 2022, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết ở khu dân cư.

 

R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm