(GLO)- Từ cuối năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa (Gia Lai) phối hợp cùng các hợp tác xã (HTX), người dân và doanh nghiệp triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cách làm này nhằm tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết, từ cuối tháng 12-2019 đến nay, đơn vị đã triển khai một số dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp như: Dự án liên kết sản xuất cà phê 4C với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; chuỗi liên kết sản xuất bời lời (xã Hà Đông); sản xuất hồ tiêu sạch, bền vững (xã Nam Yang); xây dựng vùng nguyên liệu bơ, sầu riêng (xã Trang) và sản xuất rau củ quả an toàn theo hướng VietGAP (xã Tân Bình). Các đơn vị tham gia dự án đã triển khai thực hiện nhiều hạng mục như hỗ trợ máy móc xử lý lá, tập huấn kỹ thuật ươm và chăm sóc cây bời lời cho các hộ dân xã Hà Đông; xây dựng nhà lồng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Tân Bình; xây dựng vùng nguyên liệu bơ, sầu riêng sạch tại xã Trang; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại xã Nam Yang…
Sản xuất cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH một thành viên Hương đất An Phú. Ảnh: N.D |
Ông Nguyễn Trình-Giám đốc HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Tân Bình-cho hay: “Công ty TNHH một thành viên Hương đất An Phú đã liên kết với 10 hộ là thành viên của HTX (mỗi hộ đóng góp 1 sào đất) để sản xuất các loại rau theo hướng VietGAP. Sản phẩm đến kỳ thu hoạch sẽ được Công ty thu mua với giá cao hơn so với các loại rau sản xuất theo phương pháp truyền thống. Trước mắt, các hộ trồng 4 loại rau chính gồm: cà chua, đậu cô ve, khổ qua và dưa leo”. Cũng theo ông Trình, điều nông dân cần nhất hiện nay là giá cả ổn định để có sự đồng thuận, gắn kết với doanh nghiệp. Về lâu dài, mối liên kết này sẽ giúp kiểm định rau đủ tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sau này cấp cho HTX để tạo tiền đề cho nông dân sản xuất theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, cần thống nhất số lượng rau xanh cung cấp hàng ngày để ổn định đầu vào và đầu ra. Khó khăn hiện nay là nông dân thường sản xuất cung vượt cầu. Vì vậy, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sẽ tạo niềm tin cao cho Công ty và các hộ nông dân, bà con không còn lo bị ép giá nữa.
Tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau sạch, bơ, sầu riêng tại xã Trang và Tân Bình, ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương đất An Phú-cho biết: “Thời gian qua, đơn vị chủ động tham gia dự án sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP và xây dựng vùng nguyên liệu bơ, sầu riêng trên địa bàn huyện Đak Đoa. Đến nay, đơn vị đã xây dựng nhà lồng, đầu tư các trang-thiết bị khác, đưa cán bộ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân theo đúng quy trình đề ra với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao. Những sản phẩm này đến kỳ thu hoạch sẽ được Công ty thu mua cao hơn giá thị trường để cung ứng vào hệ thống siêu thị đã ký hợp đồng từ nhiều năm nay, góp phần giúp người dân có lời hơn so với sản xuất theo phương pháp truyền thống”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: “Qua triển khai các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, mối quan hệ giữa nông dân và các đơn vị chủ nhiệm dự án đã được củng cố. Bước đầu, các chuỗi giá trị này giúp người dân yên tâm sản xuất bởi đầu vào và đầu ra đã được 2 bên ký kết. Bên cạnh đó, sản xuất theo quy trình VietGAP hướng đến việc tạo ra những sản phẩm sạch”.
NGUYỄN DIỆP