(GLO)- Cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian gần đây, nông dân huyện Đak Đoa, Gia Lai đã liên kết xây dựng các mô hình tổ, nhóm cùng sở thích, tổ hội nghề nghiệp, nông hội hoặc hợp tác xã (HTX) để giúp nhau nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi thỏ xã Nam Yang là mô hình được đánh giá đạt hiệu quả cao. Ông Lê Kim Nam-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang-cho hay: Người dân trong xã chăn nuôi thỏ từ cách đây hơn chục năm nhưng chủ yếu để cung cấp thực phẩm cho gia đình. 3 năm trở lại đây, giá hồ tiêu xuống thấp, người dân mới bắt đầu nuôi thỏ theo hướng kinh doanh. Vì thế, Hội Nông dân huyện và xã đã hướng dẫn các hộ thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi thỏ xã Nam Yang với sự tham gia của 11 hộ. Đồng thời, hỗ trợ 340 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để thực hiện dự án chăn nuôi thỏ nhằm giúp người dân mở rộng quy mô cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, năng suất khoai lang lệ cần của các hộ tham gia HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình đạt 10 tấn/ha. Ảnh: H.T |
Có thâm niên chăn nuôi thỏ nên anh Trương Công Quân-Tổ trưởng tổ hội nông dân thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân. Anh cũng là người cung cấp con giống và hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho các hộ. Theo anh Quân, thỏ rất hay bị các bệnh đường ruột, cầu trùng, nấm ghẻ có thể gây chết hoặc còi cọc nên thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ, khô ráo, có bổ sung thêm cám và cho uống thuốc phòng bệnh. Nếu nắm vững kỹ thuật thì tỷ lệ thỏ chết vì dịch bệnh chưa tới 10%. Trong khi đó, vốn đầu tư ít, phát triển nhanh về số lượng. Ngoài bán thỏ giống, người dân còn bán thỏ thương phẩm với giá 70-80 ngàn đồng/kg nên nhanh có thu nhập. “Đơn cử như gia đình tôi nuôi 30 cặp thỏ bố mẹ từ năm 2017, đến nay, đàn thỏ đã phát triển lên hàng ngàn con. Mỗi năm, gia đình bán được hơn 2 tấn thỏ thịt và 100-200 con thỏ giống, lãi gần 100 triệu đồng”-anh Quân cho hay.
Tương tự, xã A Dơk cũng đã hình thành nhiều nhóm hộ nông dân cùng sở thích liên kết giúp nhau về đầu vào, kỹ thuật sản xuất và đầu ra sản phẩm. Anh Byôm (làng Bĩa Tih) cho hay: “Hiện nay, làng có 3 nhóm hộ liên kết giúp nhau phát triển cây cà phê. Riêng nhóm của tôi có 16 hộ tập trung lại mua phân bón tại 1 đại lý để không bị tính lãi nếu mua nợ như trước đây; đồng thời, thường xuyên hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc cà phê. Vì vậy, năng suất cà phê trung bình đạt trên 4 tấn nhân/ha, cao hơn 1,5-2 tấn/ha so với trước”. Ông Byin-Chủ tịch Hội Nông dân xã A Dơk-cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 28 nhóm chung sở thích về trồng cà phê, chăn nuôi bò, heo và dệt thổ cẩm. Các nhóm này được hình thành nhờ thực hiện dự án IFAD từ năm 2011. Ngoài các hộ tham gia nhóm thì rất nhiều nông dân đã tự liên kết với các nhóm để được hỗ trợ về kỹ thuật, đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. “Hội Nông dân xã vận động các hộ dân tập hợp lại để xây dựng 2-3 tổ hội nông dân chăn nuôi heo và 4-5 tổ hội nông dân trồng cà phê, sau đó, hướng tới thành lập chi hội nghề nghiệp trồng cà phê và nông hội trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C nhằm giúp các hộ sản xuất cà phê theo hướng bền vững”-ông Byin thông tin thêm.
Tại xã Tân Bình, giữa năm 2019, Hội Nông dân huyện đã vận động các hộ tham gia xây dựng HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Bình chuyên trồng khoai lang Lệ Cần và các loại rau củ quả theo hướng VietGAP. Hiện HTX có 8 thành viên, canh tác trên diện tích 56 ha. Hội Nông dân huyện cũng hỗ trợ HTX 300 triệu đồng thực hiện dự án phát triển khoai lang Lệ Cần. Nhờ có sự chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, cây trồng của các hộ dân phát triển tốt hơn, năng suất đạt cao hơn; trong đó, khoai lang Lệ Cần đạt năng suất trung bình 10 tấn/ha. Ông Nguyễn Trình-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX-cho hay: HTX đang tiếp tục tìm quỹ đất để thuê với hợp đồng dài hạn nhằm đầu tư công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trao đổi với P.V, ông Y djit-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Đoa-cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Hội đã phối hợp vận động thành lập được 7 HTX, thành lập 11 tổ hợp tác và xây dựng 134 tổ hội nghề nghiệp nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, thoát nghèo bền vững. Tới đây, Hội sẽ tiếp tục chỉ đạo mỗi xã, thị trấn thành lập 1 tổ hội nghề nghiệp; riêng Hội Nông dân huyện sẽ thành lập 1 đến 2 chi hội nghề nghiệp tại mỗi xã theo từng lĩnh vực để hướng tới thành lập các mô hình nông hội theo chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện. Đồng thời, Hội cũng sẽ vận động hội viên đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân và tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên để giúp các mô hình tổ hội, nông hội trên địa bàn hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, Hội cũng sẽ đề xuất cấp trên mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng hoạt động, điều hành của các tổ hội, chi hội nghề nghiệp cũng như các nông hội, HTX và liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
HỒNG THƯƠNG