Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Đak Đoa quyết tâm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) vẫn còn ở mức hơn 12,7%. Vì thế, địa phương luôn chú trọng tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Huyện Đak Đoa có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 57% dân số. Ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Đoa-cho biết: “Cùng với chú trọng các giải pháp lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 42-CTr/HU thực hiện Nghị quyết số 05-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Cùng với đó, Huyện ủy ban hành kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo định kỳ hàng năm cùng với các chủ trương, chính sách khác nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS, ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực về đầu tư phát triển sản xuất”.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS sinh sống tại vùng khó khăn, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề chăn nuôi cho hộ thiếu đất sản xuất, tổ chức tập huấn về chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến các mô hình sản xuất cho hàng ngàn lượt hộ. Năm 2021, toàn huyện có gần 850 lao động nông thôn được đào tạo nghề, có 2.500 lao động được tạo việc làm. Địa phương còn phối hợp hỗ trợ các thủ tục vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, tạo việc làm cho 3.233 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với nguồn vốn giải ngân hơn 107 tỷ đồng. Mới đây, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Hội chợ việc làm năm 2022. Qua đó, hơn 300 lao động được tuyển dụng làm việc tại các công ty, tham gia xuất khẩu lao động, du học và đào tạo nghề.
Bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo tại xã Glar (huyện Đak Đoa). Ảnh: Thanh Nhật
Ngoài ra, các đoàn thể chính trị-xã hội duy trì triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Các xã có tỷ lệ đồng bào DTTS cao như: Kon Gang, Hà Bầu, Hà Đông, Glar, Đak Krong, Ia Băng… gắn việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chế độ chính sách cho hộ nghèo và gia đình có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, quan tâm giải pháp hướng dẫn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các xã, thị trấn quan tâm xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay, góp sức giúp đỡ hộ nghèo về nhà ở, cải thiện cuộc sống. Trong năm 2021, huyện đã hỗ trợ xây dựng được 31 căn nhà và sửa chữa 10 căn nhà cho hộ nghèo. Đồng thời, vận động xã hội hóa xây dựng 18 căn nhà cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở, bình quân mỗi căn nhà có diện tích sử dụng từ 45 m2 trở lên, với mức hỗ trợ sửa chữa 30 triệu đồng/nhà và xây mới khoảng 80 triệu đồng/nhà.
Cấp phát gạo cứu đói giáp hạt cho người dân ở các xã vùng DTTS. Ảnh: Thanh Nhật
Gia đình ông Kiu (hội viên Hội Cựu chiến binh làng Đak Mong, xã Đak Krong) thuộc diện hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Cuối năm 2021, gia đình ông được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” và Quỹ “Vì người nghèo” hơn 70 triệu đồng để xây nhà mới. Tương tự, bà Nuanh (làng Dơk Rơng, xã Glar) được xã hỗ trợ heo giống để phát triển chăn nuôi. Năm 2021, gia đình bà tiếp tục được MTTQ huyện phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Bà Nuanh phấn khởi bộc bạch: “Được sự quan tâm giúp đỡ của MTTQ huyện và doanh nghiệp, tôi đã có căn nhà mới khang trang, gia đình cũng đã thoát nghèo. Gia đình tôi sẽ chăm lo lao động sản xuất, ổn định đời sống”.
Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 12,78% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2% trở lên và hạn chế tái nghèo, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7%. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững. Triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện để hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, thường xuyên đánh giá, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, cá nhân điển hình vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm