Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

"Dân vận khéo" ở vùng DTTS - Kỳ cuối:Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai tại các địa phương trong tỉnh với sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, từ đó đã tạo được sự đồng thuận, huy động được sức dân trong việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
Sức lan tỏa sâu rộng
Ông Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy-cho hay: Gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận là bí quyết được các tổ dân vận trên địa bàn tỉnh đúc kết từ thực tế. Học tập làm theo tư tưởng của Bác về “dân vận khéo”, các tổ dân vận đã có nhiều giải pháp phù hợp với cơ sở. Không chỉ dừng lại ở việc gương mẫu, lắng nghe, tiếp thu mà người làm công tác dân vận còn phải tập trung vào việc vận động, thuyết phục, phát huy và động viên sức mạnh từ mỗi người dân; thực hiện đại đoàn kết từ cơ sở, từ cộng đồng dân cư nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp. Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình “Dân vận khéo” đã đạt được những kết quả quan trọng, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình có tính lan tỏa trong cộng đồng dân cư. 
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Hóa học 21 (Quân đoàn 3) giúp nhân dân thôn Bi Yông di dời nhà Ảnh Dung Tấn
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Hóa học 21 (Quân đoàn 3) giúp nhân dân thôn Bi Yông di dời nhà. Ảnh: Dung Tấn
Năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện được 883 mô hình, điển hình. Trong đó có 532 mô hình, điển hình tập thể trên các lĩnh vực (194 mô hình về phát triển kinh tế; 177 mô hình về văn hóa-xã hội; 106 mô hình về đảm bảo quốc phòng-an ninh; 55 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị); 352 mô hình, điển hình cá nhân trên các lĩnh vực (145 mô hình về phát triển kinh tế; 107 mô hình về văn hóa-xã hội; 41 mô hình về đảm bảo quốc phòng-an ninh; 59 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị). “Đặc biệt, mô hình xây dựng “Làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số” được đẩy mạnh và có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã đăng ký xây dựng 28 làng thuộc 26 xã thành mô hình điểm làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Có thể kể đến các đơn vị làm tốt như: Phú Thiện, Ia Pa”-Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống nhân dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng; bộ mặt nông thôn, đô thị có những đổi thay tích cực với các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động”; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”... Các hoạt động “Dân vận khéo” được triển khai cũng đã thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, tiêu biểu như: mô hình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; mô hình “Phòng khám quân dân y kết hợp” tại các Đồn Biên phòng Ia Púch, Ia Mơr, Ia Lốp (huyện Chư Prông) và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ); mô hình trường học bán trú dành cho học sinh DTTS, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nhà xa trường (huyện Phú Thiện)...
Đổi mới công tác dân vận, nhân rộng điển hình
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, thời gian tới, ban dân vận các cấp sẽ từng bước đổi mới nội dung, phương thức tập hợp quần chúng và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội.
 Diện mạo làng quê khởi sắc nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.D
Diện mạo làng quê khởi sắc nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.D

Ông Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: “Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và nhận thức đúng đắn về mục đích, yêu cầu của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đó là tập trung vào việc giải quyết thành công những việc khó, những việc mới nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; phát huy sức mạnh và vai trò làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước. Đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin; sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình, khen thưởng kịp thời nhằm động viên phong trào. Các phong trào “Dân vận khéo” phải tập trung vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị”.


Bàn về vấn đề này, ông Đinh Thanh Xuân-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kông Chro-nhận định: Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả khả quan, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Tuy nhiên, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS phát huy hiệu quả, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền địa phương cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, đặc biệt chú trọng, đề cao và phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín nhằm tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, tổ chức cuộc sống gia đình, tiến tới xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Đồng thời, xây dựng, triển khai các phong trào thi đua có nội dung phù hợp với điều kiện thực tế và văn hóa của từng vùng, từng địa phương; phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng và rút kinh nghiệm kịp thời cũng như nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao... “Huyện Kông Chro sẽ tiếp tục nhân rộng 310 mô hình ở tất cả 4 lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt là duy trì và nhân rộng các mô hình: “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Đội cồng chiêng”, “Đoạn đường không lầy lội vào mùa mưa”, “Nông dân giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững...”-ông Xuân thông tin. 
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Thời gian tới, việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào DTTS phải thường xuyên, cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương, coi trọng tính thiết thực, hiệu quả. Mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải thật sự gần dân, hiểu dân, tin dân và làm cho dân tin; luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, nói đi đôi với làm. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Chúng ta phải tập trung nhân rộng các điển hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay tại cơ sở.
Cụ thể, từ điển hình mô hình “Làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS” ở huyện Phú Thiện, các địa phương khác cần học hỏi kinh nghiệm và triển khai nhân rộng ở địa phương mình. Phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ “làng nông thôn mới” là gì, từ đó chung tay xây dựng. Hay cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS” tại huyện Ia Pa cũng đã có chuyển biến tích cực nhờ sự góp sức của các già làng, người có uy tín. Từ những việc làm cụ thể, hiệu quả của Ban Dân vận huyện Ia Pa, các huyện khác cũng nên tích cực bồi dưỡng cho đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn về công tác dân vận khéo... Ngoài ra, thời gian tới, 17/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh sẽ thành lập mô hình “Hợp tác xã kiểu mới”. Chúng tôi đã chọn huyện Phú Thiện để thực hiện mô hình điểm và triển khai nhân rộng. Đồng thời, thị xã An Khê cũng là địa phương được tỉnh chọn để triển khai thí điểm “Mô hình nông hội”, sau đó sẽ triển khai ở tất cả các địa phương còn lại. Đây là những mô hình mới, vì vậy rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với công tác dân vận khéo để giúp người dân hiểu và thực hiện”.
 TRẦN DUNG-QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm