(GLO)- Những năm qua, việc lập quy hoạch phát triển hệ thống điện được tỉnh chú trọng và triển khai. Nhiều công trình điện được gấp rút triển khai và hoàn thành trong thời gian ngắn. Đến nay, số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có lưới điện quốc gia là 222/222 với 299.648/307.566 hộ dân sử dụng điện, đạt 97,43%.
Cùng với sự phát triển không ngừng của hệ thống điện miền Trung, hệ thống điện tỉnh Gia Lai được đầu tư mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng bằng các nguồn vốn, như vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), nguồn ngân sách nhà nước, vốn đối ứng của EVN và một phần vốn nhân dân đóng góp.
Ảnh: Đ.T |
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, số xã, phường, thị trấn được cấp điện từ lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 137/175 (chiếm 78,3%) với 299.648/307.566 hộ dân sử dụng điện (chiếm 56%). Trong đó có 550 km đường dây trung thế, gần 450 km đường dây hạ áp; tổng số trạm biến áp là 452 trạm với tổng dung lượng 61.096 kVA. Đến nay, số xã, phường, thị trấn đã có lưới điện quốc gia của tỉnh Gia Lai là 222/222, đạt 100% với 299.648/307.566 hộ dân sử dụng điện, đạt 97,43%. Tổng chiều dài đường dây trung thế 3.998,631 km; đường dây hạ áp có tổng chiều dài 3.675,9 km; tổng số trạm biến áp là 3.127 trạm với tổng dung lượng 455.039 kVA.
Có thể khẳng định, điện đã góp phần làm thay đổi cơ cấu cây trồng, quy mô và tập quán canh tác, tăng năng suất cây trồng, giúp cho người dân nông thôn đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Có điện, người dân nông thôn đã được giải phóng sức lao động bằng việc đưa máy móc vào sản xuất. Bởi vậy, bên cạnh việc đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện từ tỉnh xuống huyện, xã và các thôn làng, Công ty Điện lực Gia Lai còn chú trọng đầu tư các trang-thiết bị, phương tiện dụng cụ an toàn ngăn ngừa sự cố lưới điện, bảo hộ lao động. Việc kiểm tra định kỳ được thực hiện thường xuyên nên đã kịp thời phát hiện và xử lý các thiết bị hư hỏng, hạn chế sự cố, không để xảy ra sự cố đáng tiếc. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phát quang hành lang tuyến, không để cây cối va quệt vào dây dẫn làm tổn hao điện năng và dễ gây ra mất an toàn lưới điện…
Tiếp tục đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, theo kế hoạch, giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án quan trọng, như dự án giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện tỉnh Gia Lai bằng vốn vay KFW giai đoạn II với tổng vốn đầu tư 179 tỷ đồng do Ban Quản lý Điện nông thôn làm chủ đầu tư; dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện lưới trung áp tỉnh Gia Lai, với tổng số vốn đầu tư 30 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án lưới điện miền Trung làm chủ đầu tư.
Dự kiến hai dự án trên sẽ thi công vào quý IV năm 2015 và hoàn thành vào quý IV năm 2016. Dự án cung cấp điện trung tâm huyện tỉnh Gia Lai (vốn vay KFW giai đoạn III) với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng do Ban quản lý Điện nông thôn làm chủ đầu tư, dự kiến thi công vào quý IV năm 2016 và hoàn thành vào quý IV năm 2017. Hồi đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2081/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2015-2020, trong đó địa bàn tỉnh Gia Lai là 650 tỷ đồng. Ở dự án này, chủ đầu tư là UBND tỉnh Gia Lai hoặc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nếu bỏ vốn đối ứng 15% sẽ làm chủ đầu tư, 85% vốn còn lại do ngân sách trung ương cấp.
Hà Duy