Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với gia đình hạnh phúc. Nhờ vậy, phong trào lan tỏa sâu rộng và đạt những kết quả rất quan trọng. 
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh
Bà Ther-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Glar (huyện Đak Đoa) phấn khởi dẫn chúng tôi tham quan con đường hoa của hội viên 2 làng Dôr 1 và Dôr 2. Hai bên đường, hoa mười giờ, râm bụt, cánh bướm... đua nhau khoe sắc. “Đó là kết quả sau khi Hội LHPN xã phát động xây dựng hàng rào xanh, con đường hoa. Trục đường chính dài khoảng 400 m đi vào 2 làng đã được rào giậu và trồng nhiều loại hoa”-bà Ther cho hay.
Cũng theo bà Ther, Hội LHPN xã vận động chị em phụ nữ cải tạo diện tích đất sát hàng rào của mỗi gia đình để thực hiện “Hàng rào xanh”, lựa chọn trồng các loại dây leo như: mồng tơi, khổ qua, mướp, bầu, bí.. vừa tạo mảng xanh vừa cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho bữa ăn hàng ngày. 
Việc triển khai mô hình “Con đường hoa”, “Hàng rào xanh” đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo hội viên phụ nữ. Bà Nay Danh Nam-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Đoa-thông tin: Toàn huyện đã thực hiện được 16.800 m “Con đường hoa” và 17.000 m “Hàng rào xanh”. Nhờ phát huy hiệu quả mô hình này mà đường đi lối lại trong thôn làng trở nên dịu mát, rợp màu xanh, hoa tươi khoe sắc.
Con đường hoa ở làng Dôr 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa). Ảnh: Đinh Yến
Cùng với đó, việc triển khai nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chú trọng. Ông Võ Xuân Bảo-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh-cho hay: “Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với những người có uy tín trong cộng đồng tích cực vận động các gia đình, dòng họ thực hiện quy chế, hương ước của thôn, làng. Việc cưới, việc tang và lễ hội ở các làng dân tộc thiểu số trước đây thường tổ chức dài ngày, tốn kém thì nay được rút gọn, tiết kiệm, tuân thủ pháp luật, quy ước của địa phương. Các hộ dân đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Người dân đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”.
Trước đây, làng Kênh (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) từng là “điểm nóng” về các hủ tục, tệ nạn xã hội nhưng nay đã chuyển biến rõ rệt. Ông Rơ Châm Bop-Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Kênh-cho biết: “Các gia đình trong làng đều có ý thức xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, nuôi dạy con cháu hiếu thảo, giữ gìn vệ sinh chung. Các hộ đều làm chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở. 93% hộ được công nhận gia đình văn hóa. Những năm gần đây, làng Kênh luôn được công nhận là làng văn hóa”.
Gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc
Ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh-chia sẻ: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được huyện triển khai gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no. Trên cơ sở bám sát các nội dung của phong trào và xuất phát từ thực tiễn, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương đã tập trung chỉ đạo và đề ra kế hoạch, giải pháp đồng bộ thực hiện. Trong đó, công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích và nội dung của phong trào được đưa lên hàng đầu. Khi người dân đã đồng thuận thì địa phương quyết tâm thực hiện để nhanh chóng đổi thay, mang lại kết quả. 
Người dân thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: Đinh Yến
“Ban Chỉ đạo phong trào luôn được tăng cường, củng cố, kiện toàn, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Cuối năm, Ban tổng kết, rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình tiên tiến, các nhân tố mới. Các thôn, làng thì thống nhất xây dựng, bổ sung quy ước cho phù hợp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai những tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc còn được kiểm chứng đánh giá thông qua công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Người dân thì đoàn kết, trực tiếp tham gia thông qua các cuộc họp của làng, dòng họ, sinh hoạt của các đoàn thể. Nhiều gia đình, thôn làng lúc trước có những rạn nứt, thiếu gắn kết chặt chẽ thì nay được vun đắp bền chặt, tình làng nghĩa xóm thêm sâu sắc. Việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo đúng chuẩn theo các tiêu chí”-ông Đức cho biết thêm.
Theo nhận xét của ông Ngô Tuyến-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), phong trào xây dựng gia đình văn hóa cũng chính là xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc, không có bạo lực, giữ gìn truyền thống ứng xử tốt đẹp trong gia đình. Việc vận động đăng ký xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa được các gia đình tự giác thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 302.586/377.426 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 80,17%. Kết quả thẩm định có 282.238/302.586 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 93,27%. “Từ kết quả này cho thấy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp trong mỗi gia đình”-ông Tuyến nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm