Thời sự - Bình luận

Để nông nghiệp trở thành ngành xuất khẩu chủ lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Ngành nông nghiệp phải phấn đấu trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước”. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị toàn quốc mới đây của ngành nông nghiệp với chỉ tiêu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD, đến năm 2025 đạt 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và lọt vào top 10 thế giới. Đây cũng là thông điệp để mỗi địa phương phải vận dụng một cách linh hoạt, phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình.
Ngành nông nghiệp phải phấn đấu trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước (ảnh internet)
Ngành nông nghiệp phải phấn đấu trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước (ảnh internet)
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức lớn là cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu; dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi và bệnh sâu keo mùa thu trên thực vật cộng với những bất lợi do biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết nhưng nông nghiệp Việt Nam năm 2019 vẫn có nhiều điểm sáng. Ngành đã triển khai rộng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu như thủy sản, trái cây; phát triển và hình thành các vùng sản xuất lớn gắn với thị trường xuất khẩu… Một số ngành hàng lớn như chế biến gỗ rừng trồng, xuất khẩu gạo, trái cây có thương hiệu và hiệu quả cao.
Với kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều.
Từ những kết quả đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành nông nghiệp phải tiếp tục tập trung cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Phấn đấu năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt trên 43 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt chính sách về đất đai, tín dụng; thay vì hỗ trợ đầu vào hãy chuyển sang chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường; hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn…
Mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp cũng chính là mục tiêu cần hướng đến của các địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là những vùng nông nghiệp trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung bộ, miền núi phía Bắc.
Với Gia Lai, thực hiện Chương trình hành động về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, năm 2019, giá trị của ngành ngành nông-lâm-thủy sản đã chiếm hơn 37% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tổng giá trị sản xuất ước đạt 28.520 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 45 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ngoài thế mạnh vốn có về cà phê, cao su, hồ tiêu, việc Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết về bảo tồn và phát triển cây dược liệu, phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả được xem là định hướng để tỉnh đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa và xuất khẩu.
Những kết quả ban đầu trong việc chuyển đổi hàng trăm héc ta lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; hay việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho hàng chục ngàn héc ta đất nông nghiệp thời gian qua cũng được xem là hướng đi đúng cho Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Những kết quả này càng có ý nghĩa khi Tây Nguyên phải phát triển nông nghiệp trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn bởi biến đổi khí hậu và tình trạng suy giảm độ che phủ của rừng, nguồn nước ngầm bị khai thác cạn kiệt do việc mở rộng diện tích cà phê vượt quy hoạch… trong một thời gian dài mà các địa phương trong vùng không có biện pháp chấn chỉnh.
Gia Lai đã đưa vào vận hành Trung tâm chế biến rau quả DOVECO được xem là hiện đại và lớn nhất Tây Nguyên với công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm. Sự kiện này được xem là động lực để ngành sản xuất rau quả của tỉnh phát triển. Giờ là lúc phải hành động và hành động một cách quyết liệt để khai thác hết tiềm năng đất đai, lao động, biến Gia Lai trở thành một địa phương đi đầu trong xuất khẩu rau quả nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung của Tây Nguyên, đóng góp thiết thực để Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD vào năm 2025, đứng đầu ASEAN và lọt vào top 10 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm