Di chỉ Tây Nguyên trong một ngôi nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bỏ dạy đại học về  nhà rồi tình cờ phát hiện di chỉ đồ đá Lung Leng, ông Thành ham mê đồ đá từ đó. Bây giờ làm chủ tiệm vàng, song vào nhà ông chỉ thấy toàn cổ vật Tây Nguyên…

Bỏ dạy đại học đi đãi vàng

50 năm trước thị xã bé nhỏ bên bờ sông Đak Bla này còn sơ khai hoang vắng lắm, như chúng ta hình dung về một huyện mới bây giờ. Những người thợ Huế làm nghề kim hoàn, thợ mộc, nhà hàng không đủ sức cạnh tranh nơi cố đô tìm thấy cơ hội lập nghiệp ở miền đất mới này. Văn Đình Thành (sinh năm 1954) theo cha mẹ đến phố nhỏ Kon Tum khi ông mới tròn 5 tuổi. Vùng đất cố đô hiếu học, lên miền núi hẻo lánh, cha mẹ ông vẫn quyết cho con trai mình ăn học. Năm 1977, ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh loại giỏi được trường giữ lại. Ở trường 5 năm, lương ba cọc ba đồng, chán nản ông bỏ về Kon Tum quyết chí đổi đời bằng nghề đào đãi vàng.

Ông Thành bên bộ sưu tập đồ đá

Sông Pô Cô- dòng sông vàng của Tây Nguyên quyến rũ không biết bao nhiêu trai tráng, công sức từ hàng ngàn hàng vạn năm nay khi thứ kim loại đặc biệt ấy được con người ưa chuộng đổi chác, mua bán. Dòng Pô Cô qua Lung Leng con nước không còn gào thét mà êm diệu hiền hòa như cô gái sắp về nhà chồng, chuẩn bị hòa mình với Đak Bla, rồi đổ về Ia Ly dữ dội. Ông Thành cùng hàng trăm người khác chọn đoạn sông lửng lờ này đãi vàng. Máy móc múc đất, múc cát, đá dưới lòng sông đổ lên, vàng thì ít mà đá nhẵn thín được mài đẽo công phu thì nhiều. Đây rõ có sự can thiệp của con người chứ không hẳn kỳ công của tạo hóa.

Vàng cũng mê mà đồ đá cũng mê. Là người có học, ông Thành biết vàng cần cho mình nhất thời, song những vật vô tri vô giác kia có ích rất nhiều cho cả quốc gia dân tộc. Thời kỳ đồ đá là đây chăng? Những ngày trên ghế nhà trường ông biết rằng con người đã từng trải qua thời kỳ đồ đá, song hiện vật của nó thì mấy ai biết. Ông quyết tâm sưu tập từ đó.

Đào đãi gặp những vật bằng đá thấy có dấu vết đục đẽo của con người là ông nhặt về. Những bạn đãi vàng được ông nhờ vả quan tâm lượm được hòn nào đừng vứt đi mà mang về cho ông. Rồi những người Bahnar ven sông này thấy ở đâu có đá đẽo lại gom góp mang về chờ một ngày đẹp trời đổi cho Thành lấy vài bộ quần áo cũ, mấy cân cá khô… hoặc chút tiền. Cứ thế, số hiện vật của Văn Đình Thành ngày một đầy lên.

Bộ sưu tập đồ đá tư nhân hiếm có

Năm 1991, Văn Đình Thành tìm vào Bảo tàng Dân tộc học TP. Hồ Chí Minh để xem hiện vật cũng như tài liệu lưu giữ về đồ đá, để xem những thứ ông lưu giữ nó là cái gì. Dần dần ông phân loại ra những thứ mình có được đâu là rìu, bôn, hòn ghè… Thông tin về việc ông có bộ sưu tập đồ đá ở Lung Leng đến tai nhiều cấp, nhiều ngành có thẩm quyền. Trong 2 năm 1995-1997, Viện Khảo cổ cử người vào Kon Tum tìm hiểu và khai quật di chỉ Lung Leng bởi nguy cơ lòng hồ thủy điện Ia Ly nuốt chửng. Tận tình chỉ dẫn giúp đoàn cùng tiếp xúc với những chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học, ông Thành dần biết cách sắp xếp phân loại bộ sưu tập của mình khoa học hơn, theo phân kỳ đồ đá hay theo hình dáng công dụng…

Dụng cụ sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên đang được ông Thành lưu giữ. Ảnh: Huỳnh Kiên

Đến nay trên một vạn hiện vật đồ đá như cuốc, bàn mài, rìu, đồ trang sức, đồ thờ cúng, vòng tay, chuỗi hạt bằng đá... bước đầu được ông lựa chọn sắp xếp phân loại theo 5 mảng mà mình yêu thích, trong đó có những cổ vật của ông Thành được các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam đánh giá là rất quý hiếm như mũi qua bằng đá ngọc và bàn dùng đập vải vỏ cây có chạm khắc tinh xảo.

Chục năm trở lại đây, khi chứng kiến những hiện vật văn hóa quý hiếm của người Tây Nguyên gồm những dụng cụ sinh hoạt, lao động, săn bắn như cồng chiêng, gùi, ghè, cung nỏ… ngày càng mai một ông Thành lại cất công sưu tập. “Chỉ là đồ trưng bày chơi ấy mà”-chất giọng Huế đầy khiêm tốn của ông bảo thế. Tuy nhiên, xem qua tất thảy những đồ ông gắn trên tường, để khắp nhà, tôi hiểu rằng ý thức của một nhà sưu tầm bậc thầy về cổ vật Tây Nguyên của ông đã mang về đây những sản phẩm độc, đẹp. Biết đâu năm ba mươi năm nữa không ít con em trong những buôn làng Tây Nguyên lại tìm về 60 Hoàng Văn Thụ-TP. Kon Tum để chiêm ngưỡng, cóp nhặt mẫu mã những công cụ độc đáo của cha ông họ thất truyền.

Mùa Xuân nữa lại đến và sẽ trôi đi. Cuộc đời vẫn nối tiếp và chúng ta thật trân trọng những con người biết gìn giữ những giá trị muôn đời dù đó là những đồ vật đã cũ.

Huỳnh Kiên

Có thể bạn quan tâm