(GLO)- Trước hết là một vài từ liên quan tới Tết Âm lịch. “Trừ tịch” là đêm cuối năm; “Nguyên đán” là ngày đầu năm. Còn nhớ khi xưa ta bé, cứ mỗi sáng mùng Một Tết Âm lịch, trong ngan ngát hương hoa chanh, hoa mận sau vườn, trong ngạt ngào hương trầm trên bàn thờ tiên tổ và trong nồng ấm yêu thương gia đình ruột thịt ngày đầu tiên năm mới, mẹ vẫy vẫy anh em ta đang sột soạt quần áo mới lại.
Cái Vân-đứa em gái út sà vào lòng mẹ. Mẹ bảo: “Mẹ mừng tuổi các con. Năm nay học giỏi, ngoan ngoãn và chóng lớn”. Mỗi đứa được nhận một bì giấy đỏ trong đó có tờ 5 hào mới cứng còn thơm mùi mực in. Ta đưa lên mũi ngửi ngửi hoài không chán. Bà nội cũng “mở hàng”, “phát vốn” cho các cháu. Có điều tiền của bà cất rất kỹ trong hầu bao bằng tơ tằm thắt ngang lưng. Lận mãi không ra. Lại toàn những là tờ 1 hào, 2 hào nhàu nát.”Tiền bà bán rau. Các cháu vui lòng cầm tạm”-bà trìu mến. Mãi tới giờ vẫn dâng lên trong ta niềm ân hận vì thái độ không vui của mình trước những đồng tiền nhọc nhằn, lam lũ của bà... Ôi chao là vốn liếng một năm của bà cụ nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán cật cho giời trên mảnh đất 5% mà Nhà nước dành cho.
Sau này lớn lên, phiêu bạt tới miền Nam nước Việt. Để ý những ngày đầu năm mới, đưa tiền cho trẻ nhỏ, người ta không nói “mừng tuổi”, “mở hàng” mà nói “lì xì”.
Vay mượn từ ngữ là quy luật chung của mọi ngôn ngữ. Tiếng Việt, do điều kiện địa lý, do chiến tranh xâm lược, do thương mại, buôn bán đã vay mượn một số lượng rất lớn các từ gốc Hán rồi Việt hóa chúng để làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc. Trong các từ vay mượn, phần lớn đã được phát âm theo âm của người Việt. Ví dụ: độc lập, tự do, hạnh phúc... Nhưng lại có những từ còn giữ gần như nguyên vẹn âm thanh bản địa Triều Châu, Phúc Kiến như “xủi cảo”, “vằn thánh”, “quẩy”, “sập xí sập ngầu” (mười bốn mười lăm: lẫn lộn, không rõ ràng. Ta có thể nói: buôn bán phải rạch ròi, phân minh, không thể sập xí sập ngầu). “Lì xì” cũng thuộc trường hợp này. “Lì xì” theo âm Hán-Việt là “lợi thị”: buôn bán may mắn, phát tài. Người Hoa từ xa xưa đã rất coi trọng công việc làm ăn buôn bán. Họ khẳng định: Phi thương bất phú!
Trộm nghĩ, đó là một lời chúc tốt đẹp vì đó là ước nguyện chung của mọi người, là một trong những niềm hạnh phúc của con người. Còn trong những ngày thường, từ “lì xì” có nghĩa là cho nhau một cái gì đó bao hàm sác thái tu từ thân mật.
Chử Anh Đào