Đầu năm nói chuyện du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Làm du lịch giống như dân Tây Nguyên trồng cây cà phê, ít nhất phải qua 3 năm vun trồng, chăm sóc mới cho thu hoạch. Nếu cà phê được chăm sóc tốt thì chất lượng tuyệt hảo. Cũng như vậy, nếu muốn khai thác du lịch bền vững thì cần có bước chuẩn bị thật chu đáo”-ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt đúc rút như vậy khi bàn chuyện làm du lịch ở Gia Lai.

Thành phố du lịch thân thiện

Theo ông Hà Trọng Hải, du lịch Gia Lai chỉ cần xây dựng được từ 1 đến 2 sản phẩm đặc trưng để khi nhắc tới vùng đất này thì người ta phải lập tức nghĩ đến sản phẩm đó. Muốn vậy, phải kêu gọi, lựa chọn được những nhà đầu tư có tâm, có lực, có tầm. Tránh tình trạng “tham vàng bỏ ngãi”, thu hút tràn lan, kể cả những nhà đầu tư lẻ tẻ, “yếu ớt” khiến việc đầu tư kéo dài, không thành hình được sản phẩm du lịch trong khi những nhà đầu tư đủ tầm lại không có cơ hội để nhảy vào.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khảo sát phát triển du lịch thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Đ.T
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khảo sát phát triển du lịch thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Đ.T

Ông Hải ví sản phẩm du lịch giống như tình yêu, “xa mặt sẽ cách lòng”. Vì thế, khi chọn sản phẩm du lịch để đầu tư xây dựng thành thương hiệu không nên cách quá xa TP. Pleiku, đảm bảo khách có thể đi về trong ngày. “Khi tạo ra một sản phẩm, chúng ta phải biết bán cho ai, bán cho bao nhiêu người. Kinh nghiệm mấy chục năm làm cầu nối đưa khách du lịch đến Gia Lai, chúng tôi hiểu rõ thị hiếu của từng đối tượng du khách. Nói gì thì nói, đừng mơ tưởng những điểm quá xa xôi, cách trở bởi sẽ rất khó trở thành sản phẩm định hình thương hiệu cho du lịch. Theo tôi, trước tiên cần phải biến Pleiku thành một thành phố du lịch, thổi hơi thở du lịch đến từng cửa cơ quan, đơn vị, người dân. Làm sao xây dựng được môi trường du lịch thân thiện, an ninh trật tự tốt, chính quyền, người dân cùng nhau đồng thuận. Chưa làm được điều đó thì phát triển du lịch sẽ còn rất khó khăn”.

Đồng quan điểm, bà Trương Thị Phương Nga-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Sinh thái Gia Lai, cho rằng: Muốn xây dựng môi trường du lịch thân thiện, trước tiên cần lắp bảng phụ để xe ngoại tỉnh vào thành phố một cách dễ dàng, thuận tiện. “Nhiều tài xế các tỉnh bạn sợ không dám vào trung tâm vì bảng cấm đường và dễ bị xử phạt nếu vi phạm. Chúng ta cần xây dựng môi trường du lịch thân thiện ngay từ bước chân đầu tiên du khách đến đây. Cảnh sát Giao thông hoặc trật tự đô thị nên chỉ dẫn xe biển số lạ đi đúng làn đường để vào các khách sạn, vào trung tâm một cách nhẹ nhàng, rõ ràng, thể hiện lòng mến khách như Cảnh sát Giao thông TP. Đà Nẵng”.

Làm gì khi mời khách tới nhà?

Nói về xu hướng tổ chức lễ hội để thu hút khách du lịch như “Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya” hay “Tuần lễ cỏ hồng Đak Đoa” trong năm 2017, ông Hải cho rằng đây là chủ trương đúng, hợp với xu hướng du lịch của người dân nhưng một số công ty vẫn chưa đủ tự tin để chào bán tour. “Muốn hoạt động này trở thành sản phẩm đặc trưng của du lịch Gia Lai thì cần đảm bảo đủ giá trị để khách cảm thấy xứng đáng khi bỏ tiền ra. Tổ chức lễ hội tạo điểm nhấn thu hút khách cũng giống như khi mời khách tới nhà, cần có sự chuẩn bị nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, trưng trổ những gì đẹp đẽ nhất để gây ấn tượng và tình cảm với khách. Vì thế không được nóng vội mà cần có bước chuẩn bị thật chu đáo, kỹ lưỡng. Lễ hội lần đầu tiên vẫn chưa làm được điều đó vì thời gian chuẩn bị và quảng bá chưa nhiều, lễ hội hoa mà hoa ít còn cồng chiêng lại quá nhiều”-ông Hải nhận định.

 

Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Doãn Vinh
Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Doãn Vinh

Theo ông Hải, để các đơn vị lữ hành mạnh dạn khai thác tour lễ hội hoa, tự tin đưa du khách đến với Gia Lai, ngành du lịch và các địa phương cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không nên nóng vội. Cần tính đến yếu tố sau lễ hội, khách có tới nữa hay “một đến và không bao giờ trở lại”.  Ngoài tận dụng tài nguyên sẵn có thì cũng cần tập huấn cho người dân để họ ý thức dần về cách làm du lịch. Việc tập huấn này cũng không được tổ chức tràn lan, ồ ạt mà theo từng nhóm công việc. Bởi xét cho cùng, phát triển du lịch cần đặt người dân vào vị trí trung tâm, người dân phải vào vai chính thì khai thác du lịch mới hiệu quả, bền vững.

Khơi tầng lá mục

“Ngoài tài nguyên thiên nhiên sẵn có, di sản văn hóa được thế giới công nhận, Gia Lai còn một thứ tài nguyên vô giá, đó là những câu chuyện lịch sử, những huyền tích làm say đắm lòng người. Nếu ngành du lịch khai thác những câu chuyện này trong đường hướng phát triển du lịch thì sẽ thành công”-đó là khẳng định của bà Phan Yến Ly-Trưởng phòng Điều hành Khối Inbound (nội địa) Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigon Tourist. Theo bà Ly, nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã tận dụng những câu chuyện kể để biến “không” thành “có” trong khai thác du lịch. Trong khi đó, du lịch Gia Lai lại đang bỏ qua những giá trị hấp dẫn đặc biệt này. Đã đến lúc ngành du lịch “khơi tầng lá mục”, đưa những câu chuyện lấp lánh vẻ đẹp ấy ra để thu hút sự chú ý của du khách.

Đó là cách khai thác du lịch không tốn kém nhưng rất hiệu quả. “Gia Lai có vô số câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, văn học như “Đất nước đứng lên” gắn với Làng kháng chiến Stơr và Anh hùng Núp; có những câu chuyện rất đẹp về nhà Tây Sơn, về đời sống tinh thần phong phú của người bản địa… Chỉ cần khai thác những câu chuyện sẵn có ấy hoặc sưu tầm thêm những câu chuyện liên quan đã bị phủ dấu thời gian, gạt bỏ lớp rêu phong để làm chúng sáng rõ, đẹp lên, lấp lánh hơn qua lời kể duyên dáng của hướng dẫn viên. Đó là điều du khách rất cần khi đến tham quan những di tích đã đi vào lịch sử, văn học. Họ sẽ không bao giờ nhàm chán và điểm đến sẽ đọng lại trong họ rất lâu”-bà Ly chia sẻ.

 

Xoay quanh câu chuyện làm du lịch trong năm mới, bà Trương Thị Phương Nga đề xuất lại một vấn đề cũ nhưng thực tế: “Trên địa bàn tỉnh có một số cá nhân mạnh dạn, tiên phong xây dựng các khu du lịch như Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân. Tỉnh cần các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân này vì hiện nay doanh nghiệp đang rơi vào tình thế bế tắc, bị vướng mắc do chồng chéo các quy định. Nhiều địa phương được khách du lịch biết tới cũng từ những khu du lịch do cá nhân xây dựng chứ không phải từ sự đầu tư của Nhà nước”.

Cùng suy nghĩ, theo ông Hà Trọng Hải, ngành du lịch nên giao trách nhiệm cho một đơn vị trực thuộc biên tập những câu chuyện, kể cả chính sử hay qua lăng kính văn học, thậm chí cả những câu chuyện truyền miệng liên quan đến các điểm du lịch. Những câu chuyện này cần được hệ thống và ban hành nội bộ để có tính thống nhất khi thuyết trình. “Khi tôi dẫn khách đi tham quan các dấu tích núi lửa ở Gia Lai như đỉnh Hàm Rồng, Chư Đăng Ya, Biển Hồ… và kể với họ chỉ một chút những kiến thức về “núi lửa học” mà tôi lượm lặt, tìm hiểu được thì khách đã mê tít. Tương tự như vậy, với di chỉ khảo cổ học An Khê, đưa khách đến cũng không có gì nhiều để họ xem, nhưng nếu người hướng dẫn tìm đọc những bài viết của các chuyên gia khảo cổ về địa điểm này và kể lại cho khách, tôi nghĩ đó mới chính là yếu tố hấp dẫn chứ không phải là những hố đất đào xới nham nhở”-ông Hải cho biết.

Khá nhiều ý kiến được các đơn vị lữ hành gợi mở cho ngành du lịch qua những chuyến khảo sát, những cuộc hội thảo… Đó cũng là khao khát của chính những người làm cầu nối: mong muốn tìm kiếm, xây dựng được những sản phẩm du lịch mới, đủ hấp dẫn, đủ giá trị để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến với Gia Lai.

Minh Châu

Có thể bạn quan tâm