Việt Nam vẫn còn… đủng đỉnh giao thương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mười mấy năm trước, khi thủ tục và phương tiện di chuyển trong khu vực còn khá nhiêu khê, tôi đã có một chuyến du khảo nhọc nhằn mà thú vị ở vài quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông. Và bất chợt nảy ra ao ước: Rồi đến một ngày, cộng đồng ASEAN sẽ thống nhất bỏ thủ tục visa nhập cảnh, thủ tục và phương tiện di chuyển nội vùng sẽ thông thoáng, thậm chí phát hành cả đồng tiền chung (như cộng đồng EU)… Giấc mơ lãng mạn của một nhà báo ham chơi rồi cũng thành hiện thực: Ngày 31-12-2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập sau hơn 8 năm đàm phán. Cánh cửa đã mở nhưng kèm theo vô vàn thách thức cho những quốc gia có nền kinh tế chưa thực sự ổn định…

Cơ hội ngọt ngào

Trước hết, cần xác định AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực với tính chất ràng buộc không quá khắt khe… Tuy vậy, cả 10 nước trong khu vực đều “háo hức” với cơ hội này bởi ngoài giá trị tự thân, nó còn góp phần mở ra cánh cửa giao thương với phần lớn nền kinh tế còn lại của thế giới. Bằng chứng rõ ràng nhất là ngay sau ngày ký kết thành lập (31-12-2015), nhiều nước trong khu vực đã nhanh chóng chuyển mình bằng nhiều cách để sớm tận dụng cơ hội, từ nâng cấp đầu tư hạ tầng giao thông liên quốc gia đến cải thiện chất lượng lao động có tính tương tác cao; củng cố, phát triển thương hiệu hàng hóa, sản phẩm nâng tính cạnh tranh; hiện tại, cả 10 nước trong khu vực đang đi đến thống nhất một loại visa du lịch chung cho cả khối… Theo ước tính lạc quan của các chuyên gia, mục tiêu lớn nhất của AEC, là “mở ra một khu vực thị trường chung rộng lớn (với trên 600 triệu dân và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD), mở ra cơ hội làm ăn, kinh doanh lớn cho doanh nghiệp và người lao động, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài không những tại các nước ASEAN mà còn kết nối với nhiều khu vực kinh tế khác trên toàn cầu… nhằm tạo ra chuỗi giá trị khu vực”.

 

Xuất khẩu điều nhân.
Xuất khẩu điều nhân. Ảnh Internet

Trong bối cảnh này và cũng theo tính toán lạc quan của các chuyên gia, thị trường AEC sẽ đạt GDP lên 4,7 ngàn tỷ USD vào năm 2020 và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Theo đó, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng GDP thêm 25% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025-một thời hạn rất gần. Hơn thế nữa, với lợi thế về địa chính trị và nền móng giao thương đã có, Việt Nam còn có riêng lợi thế là điểm kết nối giữa AEC với các nước EU và thị trường từ TPP mang lại.

Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, với lợi thế về hàng hóa-nhất là sản phẩm nông-lâm nghiệp-phong phú; người lao động cần cù… thì riêng về hạ tầng giao thông, đã có những lợi thế lớn: Từ hành lang kinh tế Đông- Tây qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, đến hệ thống quốc lộ xuyên quốc gia, hệ thống cửa khẩu quốc tế mở ra trên nhiều tỉnh giáp biên khác tại Tây Nguyên đã được đầu tư khá tốt những năm qua. Và giao thông đường biển với những cảng lớn, như Nha Trang, Quy Nhơn, đặc biệt là cảng Đà Nẵng-đầu cầu đến và đi trong khu vực và cả thế giới… đang giúp cho việc giao thương hàng hóa được thuận lợi với chi phí vận chuyển có tính cạnh tranh cao.

Và chông gai phía trước

Trước cơ hội từ AEC, có tờ báo đã thẳng thừng nhận định: Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn còn “ngơ ngác” lắm; chưa nói tính bất ổn trong sự tồn tại của doanh nghiệp dẫn đến sự bấp bênh trong hội nhập (khi mà riêng năm 2015 đã có trên 71.000 doanh nghiệp tự… khai tử). Và, nhìn thẳng vào thực tế, Việt Nam vẫn được xếp vào tốp dưới trong nền kinh tế ASEAN cùng với Myanmar, Campuchia, Lào(!).

Vào AEC, với cơ hội hàng hóa lưu thông tự do trong toàn khu vực mà thuế suất dần tịnh tiến về 0%; với thị trường lao động cả bậc cao lẫn bậc thấp cũng đều tự do lưu chuyển... thì Việt Nam đối diện thế nào? Rõ ràng chúng ta không thể chỉ tự hào những mẻ cá ngừ đại dương đầu tiên được thí điểm xuất khẩu đi Nhật; không thể an lòng với những lô hàng trái cây đầu tiên được xuất sang Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc… Trong khi, từ miền Trung-Tây Nguyên, theo từng mùa vụ mà từ nhiều năm qua, vẫn nghìn nghịt những đoàn xe tải dồn ứ ở các cửa khẩu giáp biên Trung Quốc. Ngắn hạn như thanh long, dưa hấu, dài hạn như mủ cao su… cũng đều điêu đứng cả. Vào AEC, riêng các mặt hàng thủy-hải sản thì rõ ràng với lợi thế vùng nguyên liệu hầu như chia đều cho các nước sẽ không thể có tính cạnh tranh cao; còn nông sản (cả thô và tinh chế) vẫn được coi là thế mạnh Việt Nam. Thế nhưng, về lúa gạo, ta vẫn phải sang Thái Lan mà học cách làm thương hiệu, sản phẩm cao su thì sang Thái, Malaysia mà học cách canh tác, chế biến và “giữ giá” trên thương trường. Còn trái cây, cũng vẫn phải sang Thái mà học, học cả nền canh tác nông nghiệp vốn dĩ đã đa dạng, ổn định cả về kỹ thuật canh tác, sản lượng tập trung và ổn định phẩm cấp. Sản phẩm từ chăn nuôi cũng vậy, ta đều đi sau khá xa nhiều nước trong khu vực. Chỉ e là mai này thôi, các “ông lớn” chăn nuôi, như TH True Milk hay Hoàng Anh Gia Lai cũng trần mình cạnh tranh trong tương quan mới. Còn cao cấp như ô tô chẳng hạn, cũng không tiếp tục dựng mãi hàng rào thuế quan nội địa để giá cả luôn luôn… cao nhất (so với cả Lào và Campuchia).

Nói đến chất lượng lao động thì lại là một niềm không vui khác: Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động bình quân chung tại Việt Nam chỉ bằng 30% của Malaysia, bằng 50% của Thái Lan, sao bì được với Singapore. Ở khu vực lao động bậc cao, chúng ta không thiếu người tài nhưng khả năng tương tác quốc tế lẫn trình độ ngoại ngữ vẫn còn thấp, thiếu kinh nghiệm. Còn lao động bậc thấp, tầm vóc người Việt vẫn ở mức trung bình, thiếu sức bền; tay nghề thấp lại thiếu chuyên nghiệp; trình độ ngoại ngữ hầu như là… zero; thiếu tính kỷ luật. Vì thế mà khi xuất khẩu lao động hầu hết phải làm công việc thuần túy chân tay-điều mà hầu hết các quốc gia dần loại bỏ.

Vậy, vào AEC, rõ ràng thách thức nhiều hơn cơ hội. Thách thức thường trực trên hàng loạt vấn đề: sức ép cạnh tranh từ hàng hóa; về dịch vụ; về lao động; cả về cung cách quản lý dòng vốn trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Nguyễn Thịnh

Có thể bạn quan tâm