Nhớ Tết Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết cổ truyền Việt Nam không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng, sum vầy, mang lại một sự khởi đầu mới... đối với người dân Việt Nam, mà với những người con xa xứ, đây cũng là dịp hướng về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Ngày Tết cận kề, cũng là lúc lòng người con xa xứ lại náo nức, bồi hồi, đau đáu nỗi nhớ về quê hương.

Hai quê chung một nỗi niềm

Tết năm 2016, đây là năm đầu tiên ôngPhạm Văn Ninh (Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia) về quê Thanh Hóa ăn Tết cổ truyền. Ông không thể quên được cảm xúc ấm áp khi những người thân quen ùa ra đón, được cảm nhận mùa lạnh quê hương mình khi những cây mía đã ngọt lừ. Mọi người quây quần chuẩn bị mâm cơm, soạn lễ cúng đón giao thừa khiến ông cũng cảm thấy rộn ràng, nao nức. “Tôi không thể quên được không khí ấm áp tình thân, không gian tràn ngập hoa đào, xung quanh ban thờ tổ tiên là các món cúng đặc trưng như bánh chưng, mứt, dựng hai bên bàn thờ là hai cây mía...  mùi nhang trầm tỏa hương khắp nơi... Từ đó đến nay tôi vẫn ao ước được cảm nhận lại không khí ấm áp ấy”.-ông Ninh bùi ngùi nói.

Thành kính chuẩn bị lễ cúng ban thờ tổ tiên trong ngày Tết Cổ truyền. Ảnh: N.T
Thành kính chuẩn bị lễ cúng ban thờ tổ tiên trong ngày Tết Cổ truyền. Ảnh: N.T



Một ngày tháng Chạp nắng trải vàng khắp con đường, khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ gỡ xuống cũng là lúc đoàn Việt kiều Campuchia trở về Việt Nam thăm thân. Mỗi người một hoàn cảnh, thế nhưng đến những ngày cận Tết cổ truyền, ai cũng chung một tâm trạng. Đó là lúc lòng bỗng chạnh buồn nghĩ tới quê hương, nghĩ đến cái tết nơi quê nhà với bao những kỷ niệm đẹp, nhớ đến từng dòng sông, con đường rợp bóng cao su và những ngôi nhà thân quen chan chứa bao yêu thương... Nỗi nhớ quay quắt về Tết quê không chỉ là những con người, hoàn cảnh cụ thể mà là cái cảm giác thèm được đi giữa đất quê hương giữa những ngày xuân ấm áp phương Nam, mưa phùn lất phất không đủ làm ướt đầu của phương Bắc hay cái se sắt gió lạnh vùng Tây Nguyên đã khiến cảm xúc trỗi dậy da diết, thân thương, tất cả đều như xua đi cái lạnh lẽo của những ngày cuối năm. Ông Nguyễn Văn Nhân quê ở Quảng Nam đã sang huyện Ô Za Đao (tỉnh Rattanakiri, Campuchia) sinh sống được 30 năm nay. Dù xa quê với thời gian dài nhưng ông vẫn luôn hướng về quê hương của mình với một niềm nhớ thương khôn xiết. Hiện nay, gia đình ông Nhân đã chuyển sang Campuchia sinh sống, nhưng mỗi lần có dịp, ông lại tranh thủ về huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đón Tết cùng bạn bè. Đối với ông, những ngày giáp Tết ở quê nhà thật ý nghĩa và đong đầy niềm vui. “Tôi luôn mong được trở về Việt Nam để được thưởng thức các món mang đặc trưng của Tết Việt Nam như bánh chưng, củ kiệu... vì cái mùi vị thơm của từng lá dong, thơm nồng đặc trưng của từng món ăn luôn khiến tôi bồi hổi. Còn gì thú vị hơn khi được thưởng thức những món ăn truyền thống và xem các tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa dân tộc. Cùng nhau ôn lại tuổi thơ và nhớ lại những thứ thân quen với mình ”.

Tết sum vầy

Đã thành thói quen, mỗi khi Tết về, cho dù bận rộn đến mấy đoàn người Việt kiều Campuchia từ 5-7 người đều cố gắng tập trung cùng nhau đi về thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Việt Nam). Nơi tập trung là một quán ăn quen thuộc mà mỗi lần về Việt Nam, họ thường tụ họp lại để san sẻ chuyện vui buồn. Tại đây, họ rôm rả cùng nhau lên kế hoạch đón Tết trong những ngày ít ỏi được trở về nước. Nếu không có nhiều thời gian để về nơi “chôn rau cắt rốn”, họ sẽ ở lại huyện Đức Cơ hoặc ra TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) để hưởng phong vị Tết cổ truyền.

 Những người con xa xứ đón tiếp nhau tại thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) khi không có điều kiện về đến nơi “chôn rau cắt rốn”. Ảnh: N.T
Những người con xa xứ đón tiếp nhau tại thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) khi không có điều kiện về đến nơi “chôn rau cắt rốn”. Ảnh: N.T



Với những người con xa xứ, việc được thưởng thức lại những món ăn truyền thống trong ngày tết luôn đem lại nỗi háo hức, mong chờ khó tả. Chỉ dạo quanh phố phường ngập tràn trong rực rỡ sắc hoa, người người nhà nhà tất bật dọn dẹp đón Tết cũng đủ để họ cảm nhận được không khí tết của quê nhà. Đó là các phiên chợ đông nghịt người với lỉnh kỉnh lá dong, lá chuối, lạt cột bánh, mứt đủ loại..., những góc chợ vàng rực hoa mai, hoa cúc... Ông Phạm Văn Ninh (Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia) chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được về quê thăm thân nhân, đón Tết với gia đình. Đối với bà con Việt Kiều không có điều kiện về thăm thân nhân, tôi đã động viên tinh thần bà con, kêu gọi hỗ trợ cho các gia đình nghèo và tổ chức vui Tết Việt Nam một cách giản đơn nhất nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa, tạo không khí ấm tình quê hương, chia sẻ nỗi niềm cùng bà con”.

Hạnh phúc khi được trở về quê hương, ngắm nhìn rừng cao su bạt ngàn, màu xanh phủ núi rừng, những ngôi nhà thân quen hiện dần ra... đã khiến Ông Bùi Văn Hà (xã La Minh, huyện Bo Keo, tỉnh Rattanakiri, Campuchia) phấn chấn: “Mỗi năm được trở về một lần vào dịp tết thế này là tôi toại nguyện lắm rồi. Dù không được đến quê gốc Thanh Hóa của mình nhưng chỉ cần qua cửa khẩu, đặt chân lên huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (Việt Nam) là tôi cảm nhận được cái không khí rộn ràng của ngày Tết đang len lỏi trong từng con đường, ngôi nhà của người Việt”.

Đối với người dân, chính quyền địa phương, khi đón những người con xa xứ về thăm thân, ai cũng vui mừng và tạo điều kiện để bà con Việt kiều qua lại, cùng người dân dịa phương vui xuân đón Tết. Ông Nguyễn Hồng Lam-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), cho biết: “Chúng tôi đã ký kết quy chế phối hợp giữa hai huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) và huyện Ô Za Đao (tỉnh Rattanakiri) về hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Tạo điều kiện cho 6 xã biên giới của 2 huyện giao lưu kết nghĩa giữa xã với xã, làng với làng của 2 huyện để cho bà con hai bên qua lại, mua bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa góp phần ổn định an ninh, chính trị. Đồng thời, giúp bà con Việt kiều được thăm thân nhân được thuận tiện hơn, qua đó, bà con đoàn kết, chung sức, chung lòng làm nhiều việc hữu ích hướng về quê hương, đất nước”.

Ngọc Thu
 

Có thể bạn quan tâm