(GLO)- Sau khi làm sạch các món đồ qua nước, anh bắt đầu bật mô tơ, dùng xút đồng quẹt lên phớt vải đánh bóng rồi đưa món đồ vào làm sạch từng góc cạnh. Sau cùng, đồ vật được lau lại một lần nữa với bột làm sáng để sáng bóng lên như mới.
Anh Cường đang đánh bóng đồ đồng cho khách. Ảnh: T.U |
Vào những ngày cuối năm, người ta dễ dàng bắt gặp những đồ vật màu vàng sáng loáng đặt ngay ngắn bên hè phố cùng tấm biển làm từ bìa cứng có dòng chữ “Nhận đánh bóng đồ đồng”. Lư hương, lư đèn, lư xông trầm…và những món đồ làm từ đồng được bày bán; đi kèm là dịch vụ làm mới có khi diễn ra ngay tại vỉa hè, cũng có khi người thợ nhận về nhà để đánh bóng rồi giao lại cho khách.
Công việc mỗi buổi sáng những ngày cuối năm của anh Nguyễn Trọng Cường là cùng với người em trai sắp xếp đồ đạc đi đến nơi khách hẹn để nhận và làm mới đồ đồng. Hơn 10 năm trong nghề, hầu hết khách hàng của anh đều là người quen biết, một phần thông qua sự giới thiệu. Vì thế, chỉ cần một cuộc điện thoại là khách hàng đã gặp được người thợ làm mới cho bộ lư đồng nhà mình.
Lớn lên tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Bình Định, anh Cường làm nghề đi bán những món đồ đồng quê mình làm ra. Nhưng đến sát Tết, nhận thấy nhu cầu làm mới đồ đồng rất cao, anh chọn cách đi đánh bóng đồ đồng dạo chứ không ngồi một địa điểm hay đi bán nữa. Anh cho biết: Đồ đồng nếu bám bụi chỉ cần làm sạch và đánh bóng là như mới nên số lượng bán được rất ít. Một bộ lư đồng 5 món hay gọi là “ngũ sự” bao gồm đôi đèn, lư xông trầm, đôi đài, lư hương; bộ “tam sự” gồm lư xông trầm và đôi đèn. Trên mỗi món đồ được khắc hình long phụng và chữ Thọ bằng chữ Hán rất cầu kỳ. Vì thế, để làm mới sản phẩm đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và thật chú tâm. Cũng theo anh Cường, để làm mới bộ “ngũ sự” phải mất đến 2 tiếng đồng hồ. Sau khi làm sạch các món đồ qua nước, anh bắt đầu bật mô tơ, dùng xút đồng quẹt lên phớt vải đánh bóng rồi đưa món đồ vào làm sạch từng góc cạnh. Sau cùng, đồ vật được lau lại một lần nữa với bột làm sáng để sáng bóng lên như mới. Mỗi một bộ “ngũ sự” anh lấy tiền công 200.000 đồng, bộ “tam sự” thì 100.000 đồng. Anh bộc bạch: “Một ngày nhận được vài ba bộ. Cũng tạm trang trải cho cái Tết chứ dư giả thì không”.
Nhận đánh bóng đồ đồng xuất hiện rải rác trên các tuyến đường: Trần Phú, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku). Công việc gắn với ý nghĩa thiêng liêng làm đẹp vật khí thờ phụng cũng là kế sinh nhai được truyền lại từ đời này sang đời khác của không ít gia đình. Như câu chuyện của chị Trần Thị Diệu và người chồng tên Vinh có địa điểm bán đồ đồng tại ngã tư đường Trần Phú-Hoàng Văn Thụ. Chị tâm sự, nghề này do ông ngoại truyền dạy lại, mẹ và các dì đều gắn bó với nghề 22 năm qua. Giờ tới lượt chị theo nghề được 7 năm rồi. Cái nghề tuy vất vả nhưng lại thiêng liêng. Mỗi sáng, anh chị bày bán đồ đồng nơi góc đường tấp nập người qua lại. Mỗi bộ “ngũ sự” mới có giá 4,5 triệu đồng và bộ “tam sự” giá 3,8 triệu đồng. Chị nói, những món đồ này được làm tinh xảo, đặt lên bàn thờ gia tiên trông rất đẹp mắt. Đồ đồng dùng được lâu năm, nếu khách có nhu cầu đánh bóng thì vợ chồng anh chị sẽ nhận về nhà làm sạch, hôm sau lại giao cho khách.
Mặc dù kinh tế khó khăn, nhu cầu mua sắm không nhiều như trước, nhưng nhu cầu làm đẹp bộ lư đồng đặt bàn thờ vẫn luôn được đề cao. Vì người dân ta quan niệm làm sạch sẽ, sáng bóng nơi hương án sẽ mang may mắn và bình an cho gia chủ, sẵn sàng đón một cái Tết ấm cúng với khói hương nghi ngút từ bàn thờ tổ tiên.
Tú Uyên