Bánh răng bừa tiến vua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nem chua, bánh cuốn, bánh gai Tứ Trụ, bánh ít, bánh răng bừa... là những đặc sản nức tiếng của Thanh Hóa. Những đặc sản này thường xuyên được người dân Thanh Hóa mang vào Gia Lai sử dụng trong gia đình và làm quà tặng cho những người thân thiết. Riêng món bánh răng bừa thời gian gần đây đã được nhiều người rao bán trên các trang mạng internet, các chợ, thậm chí người bán còn giao bánh tận nơi. 
 Bánh răng bừa.
Bánh răng bừa.
Để làm ra những chiếc bánh răng bừa thơm ngon, có hình dáng thon dài và tròn như cái răng bừa-dụng cụ làm đất của người nông dân, người làm bánh phải tuân thủ nhiều công đoạn truyền thống như: Lựa chọn gạo tẻ trắng trong, thịt heo tươi ngon, mộc nhĩ (nấm tai mèo) đảm bảo, hành khô thật thơm, lá dong nhà trồng xanh tươi... Sau đó, dùng gạo tẻ ngâm qua nước lạnh vài giờ rồi xay nhuyễn thành bột nước. Tiếp đó là công đoạn ráo bột (quấy bột) trên bếp lửa cho đặc sánh lại, rồi dùng chiếc đũa cả phết bột bánh theo chiều dọc chiếc lá dong, sau đó cho thêm thịt heo xào với mộc nhĩ vào giữa làm nhân. Tiếp nữa là công đoạn gói bánh, hấp bánh, luộc bánh, làm khô ráo bánh... “Nói chung các công đoạn làm bánh răng bừa khá đơn giản và nhiều người đều có thể làm được. Tuy nhiên, để bánh răng bừa thực sự thơm ngon, đúng chất lượng như bánh xứ Thanh chính gốc, thu hút được thực khách sành ăn thì người làm bánh buộc phải đặt mua các nguyên liệu từ ngoài Thanh Hóa vận chuyển vào”- bà Lê Thị Hòa, người chuyên làm và bán bánh răng bừa ở chợ Âu Cơ (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) bộc bạch.
“Bánh răng bừa làm từ bột gạo tẻ trắng tinh nên rất mềm dẻo, với nhân làm bằng những thực phẩm tươi sạch, gia vị dân dã, chấm với nước mắm nguyên chất nên già trẻ, gái trai đều có thể ăn ngon lành. Vì vậy, gia đình chúng tôi ai cũng thích mua bánh răng bừa ăn thường xuyên”-chị Nguyễn Thị Nhung (tổ dân phố 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) tấm tắc khen. Đặc biệt, người xứ Thanh còn tự hào kể cho nhau nghe về xuất xứ của chiếc bánh, đó là từ một chuyến vua Lê Hoàn (941-1005) đích thân xuống đồng cày ruộng trong lễ hội đầu năm mới. Để tri ân công ơn vị vua anh minh đã khuyến nông, đánh tan giặc Tống, dẹp yên giặc Chiêm Thành, phát triển đất nước hùng cường, nhân dân quê hương ông (làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã làm nên món bánh độc đáo này dâng lên vua. Sau đó, như một nét đẹp văn hóa truyền thống, người dân xứ Thanh đã lần lượt dâng tiến bánh răng bừa lên các vua, các chúa, các đại thần...
Tương truyền, vua Quang Trung (1753-1792) cũng rất thích ăn bánh răng bừa. Mùa Xuân năm 1789, khi chiêu mộ quân sĩ, voi chiến, ngựa chiến ở Thanh Hóa, vua Quang Trung và các tướng sĩ đã được người dân nơi đây dâng tiến loại bánh này. Tiến quân ra phía Bắc đại phá 29 vạn quân Mãn Thanh (Trung Quốc) thành công, khi quay trở lại Thanh Hóa, vua Quang Trung đã cảm ơn người dân bằng cách ban chiếu dụ tổ chức lễ hội tạ ơn tại đền Sùng (nay là đền Sòng Sơn, thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn) và đền Biện Sơn (nay là đền Cự Nham, thuộc xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương). Sau khi thưởng thức bánh răng bừa, vua Quang Trung còn cho các tướng sĩ mang theo món bánh đặc sản này để ăn mỗi khi nghỉ ngơi bên đường thiên lý vào Nam.
Ông Nguyễn Văn Bảy (chồng bà Lê Thị Hòa) cho biết:  Gia đình đang tính đến việc liên kết, hợp tác cung cấp thường xuyên “bánh răng bừa xanh” tới các trường học, công ty, đơn vị... “Với giá 2.000 đồng/cái bánh răng bừa, chúng tôi thường bán ra hàng ngàn chiếc bánh mỗi ngày, thậm chí hàng chục ngàn chiếc vào các ngày lễ, Tết”-ông Bảy cho biết.
Hoàng Cư - Thuận Ánh 

Có thể bạn quan tâm