Chợ quê ngày giáp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến với chợ quê những ngày giáp Tết Bính Thân, ngay lối vào chợ chúng tôi đã thấy bày bán la liệt những hàng thờ cúng, những bó cúc vàng ươm, những nải chuối xanh, lá gói bánh chưng cùng những nụ cười tươi rói như nhắc Tết đang đến thật gần.

Có mặt ở chợ quê xã An Trung (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vào giờ tan tầm, chúng tôi thấy người mua kẻ bán tấp nập. Chị Nguyễn Thị Liên, nhà ở ngay ngã ba An Trung-Chư Krey, nói: Ngày nào tôi cũng đi chợ mua thực phẩm, còn tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nên cũng tranh thủ mua sắm vài đồ dùng cho 3 ngày Tết. Dù là xã vùng sâu nhưng chợ quê An Trung bây giờ cũng không thiếu thứ gì. Không chỉ có vậy, chợ An Trung còn được bà con các làng đồng bào dân tộc thiểu số gần đó mang heo, gà, vịt… đến bán.

 

Chợ quê ngày Tết. Ảnh. Đ.Y
Chợ quê ngày Tết. Ảnh. Đ.Y

Đang trả giá con heo khoảng 10 kg của một người Bahnar trong làng, anh Nguyễn Văn Dũng (nhà ở gần chợ An Trung) cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán, những thứ bà con Bahnar bán dù đắt hơn một chút nhưng là sản phẩm sạch, mua về dùng đảm bảo sức khỏe. Tôi mua trước con heo để dùng trong dịp Tết.

Theo quan sát của chúng tôi, mặt hàng chủ yếu của chợ quê những ngày này, trừ mặt hàng khô các tiểu thương lấy ở nơi khác về bán, còn lại những mặt hàng tươi sống, như: rau, củ, cá, thịt đều là của nông dân làm ra tự mang đến bán. Từ gạo nếp, gạo tẻ, quả gấc chín đỏ để đồ xôi, mật mía cho tới quả cam, quả bưởi chín vàng ươm... Những quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh, những thúng đỗ xanh cho tới măng rừng, nải chuối cũng hiện diện đầy đủ trong phiên chợ Tết quê. Người mua ở chợ quê cũng đa phần là nông dân trong làng, trong xóm.

Tại chợ quê xã Ia Chía, Ia O (huyện Ia Grai), không khí náo nhiệt hơn, bởi phần lớn dân đi chợ là những người làm cà phê, công nhân cao su. Họ đến chợ mua sắm không chỉ là đi chợ mà còn hỏi thăm nhau về tình hình làm ăn, giá cả nông sản lên hay xuống. Hơn thế, việc mua bán những ngày này cũng xởi lởi hơn, vừa bán vừa cho thêm, không ai phải trả giá và càng không có cái chát chúa thường thấy nơi cửa chợ.

 

Ảnh. Đ.Y
Ảnh. Đ.Y

Chợ Bà Định họp trên đường Nguyễn Trãi (TP. Pleiku) nhưng nhiều người vẫn gọi là chợ quê. Vì ở đây phần lớn hàng hóa bày bán là của bà con dân tộc thiểu số xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) và các làng vùng ven thành phố. Nào là gạo, trái cây, rau, gà, vịt, cá, tôm, cua đồng… đủ cả. Hơn nữa, nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng hiện nay tìm những thực phẩm sạch, an toàn để mua về dùng, một số tiểu thương người Kinh cứ từ tờ mờ sáng lại đạp xe dạo quanh các làng đồng bào dân tộc thiểu số để mua những thứ bà con làm ra, rồi mang ra chợ bán lại. Chị Siu My, làng Breng II, xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) nói: Nhà mình nuôi được đàn gà “chạy bộ”, những ngày giáp Tết thấy một số tiểu thương người Kinh mua nhiều, được giá mình bán, không cần phải mang gà ra chợ nữa.

Chính vì thế, giá gà “chạy bộ” của một số tiểu thương bán ở chợ Bà Định ngày thường thì 125 ngàn đồng đến 130 ngàn đồng/kg, còn ngày giáp Tết đội giá lên 140 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/kg mà người tiêu dùng vẫn tranh nhau mua. “Tôi gọi điện thoại trước cho mấy bà tiểu thương đặt hàng mua 5-7 con gà để dành ăn Tết nhưng cũng không có. Vậy nên mấy ngày này, ngày nào tôi cũng đi chợ để tìm mua, khi được 1 con, khi được 2 con về nhốt vào sọt chờ… Tết”-chị Nguyễn Thị Ái My (đường Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) cho biết.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm