Dự án "Ngày xưa": Giúp người trẻ hiểu Tết để yêu Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều trường học, tổ chức giáo dục tại TP.HCM giúp học sinh hiểu hơn về Tết thông qua hàng loạt chương trình bổ ích.


Tết Việt như thế nào? Các phong tục ngày Tết có ý nghĩa ra sao? Chúng ta nên làm gì để ngày Tết thêm vui?... là những gửi gắm thiết thực mà nhiều trường học, tổ chức giáo dục tại TP.HCM mang đến cho học sinh thông qua hàng loạt chương trình bổ ích.

Hiểu để thêm yêu ngày Tết

Tự tay làm tranh gạo đủ màu theo chủ đề truyền thống, tự thiết kế những chiếc mặt nạ tuồng, tự làm bao lì xì ngày xuân hay cùng nhau khám phá điều thú vị trong hàng loạt trò chơi dân gian như chơi nhà nòi, bịt mắt đập bóng, banh đũa, đua thuyền, ô ăn quan…, những trải nghiệm ấy, InnEdu Steam School cùng nhóm dự án “Ngày xưa” mang đến cho các bạn trẻ dịp Tết này.


 

 Trò chơi dân gian được các bạn trẻ hào hứng trong dự án
Trò chơi dân gian được các bạn trẻ hào hứng trong dự án "Ngày xưa"




Giản dị ở khâu trình bày, mộc mạc trong cách hướng dẫn thực hiện, thế nhưng điều mà những người tham gia dự án phi lợi nhuận này làm được là lan tỏa giá trị của Tết, của trò chơi, văn hóa dân gian. Vũ Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một trong những tình nguyện viên tích cực của dự án cho biết, không chỉ giúp các bạn nhỏ trải nghiệm trò chơi dân gian mà nhóm còn lồng vào đó những kiến thức hay, những điều thú vị để khơi dậy sự tò mò, thích thú. Xen kẽ với các trò chơi là phần đố vui xoay quanh chủ đề về những câu chuyện cổ quen thuộc khiến rất nhiều em nhỏ hào hứng tham gia.

Yếu tố gây bất ngờ nhất là toàn bộ ý tưởng và kế hoạch triển khai đều do những học sinh THCS, THPT thuộc dự án “Ngày xưa” thực hiện với mong muốn cách ly trẻ em hiện đại với công nghệ và níu giữ những nét văn hóa riêng của dân tộc. “Chúng ta đừng nghĩ rằng trẻ em ngày nay chỉ thích những gì hiện đại và mới mẻ vì khi mở ra những hoạt động về văn hóa như thế này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía các bạn trẻ. Như dự án “Ngày xưa”, các thành viên đều là học sinh nhưng các bạn tìm hiểu rất kỹ về văn hóa dân gian Việt và tìm cách níu giữ những điều tốt đẹp nhất thông qua những hoạt động gần gũi. Khi phụ huynh đưa con đến tham gia các trò chơi quen thuộc ngày xưa, có người đã rơi nước mắt. Chúng tôi mong rằng thông qua hoạt động kết nối này các bé sẽ cảm nhận được tuổi thơ của ba mẹ mình và người lớn sẽ nhớ lại tuổi thơ để hiểu rằng thực ra một đứa trẻ cần có gì”, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục của Microsoft, Nhà sáng lập InnEdu Steam School cho hay.

Tết có đâu xa

Chương trình “Mùa Tết khám phá” của Trường ngoại khóa TOMATO children’s home là những ngày trải nghiệm đầy tiếng cười của nhiều bạn nhỏ thị thành. Bằng những cách sống động khác nhau, người hướng dẫn sẽ giúp các em hiểu được phong tục ngày Tết của Việt Nam giống và khác các nước như thế nào, Tết có gì đặc sắc và nét văn hóa độc đáo này mang ý nghĩa gì. Trẻ được dạy cách làm tò he, xếp lá dừa, viết thư pháp, đan thủ công, làm dưa món củ kiệu, cách bày biện mâm ngũ quả hay học cách gắn kết cùng ông bà, cha mẹ trong ngày Tết thiêng liêng.

Chương trình còn có phần diễn kịch hóa trang vui nhộn giúp trẻ khám phá những câu chuyện cổ tích liên quan đến ngày Tết như: Sự tích cây nêu ngày Tết, Sự tích hoa mai, Sự tích hoa đào, Sự tích dưa hấu… Điều thú vị là trẻ còn được dạy kỹ năng làm chủ đồng tiền khi được lì xì trong dịp Tết cũng như cách ăn uống, nghỉ ngơi sao cho khoa học để ăn Tết thật vui, thật khỏe.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập Trường ngoại khoá TOMATO children’s home cho biết, tuy chỉ kéo dài trong 6 ngày nhưng chương trình đầy đủ các hoạt động từ giáo dục, trải nghiệm đến trang bị kỹ năng cần thiết cho trẻ để các bé không thấy mình lạc lõng trong lễ hội truyền thống của dân tộc: “Đứa trẻ trong quá trình trưởng thành, bên cạnh việc cần có những kiến thức quan trọng, những kỹ năng hữu ích cho cuộc sống và khả năng hội nhập thế giới thì việc các em phải hiểu mình đến từ đâu, mình là ai, bản sắc riêng của mình và của cộng đồng quanh mình rất quan trọng. Có một thực trạng không vui hiện nay là khi đời sống kinh tế càng phát triển thì cảm nhận của trẻ em về Tết ngày càng nhạt nhòa. Gần như Tết chỉ còn gắn với việc nghỉ học, có quần áo mới và có tiền lì xì. Còn tại sao lại có Tết và những phong tục trong ngày Tết có ý nghĩa gì thì gần như trẻ con thời hiện đại không biết mấy. Chúng tôi không muốn các em lãng quên Tết, lãng quên nét văn hóa độc đáo của dân tộc”, bà Phương chia sẻ.


 

Trò chơi dân gian.
Trò chơi dân gian.




Tết thương yêu và lan tỏa

Tại các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM, dịp Tết này cũng có rất nhiều hoạt động ý nghĩa như hội xuân, các gian hàng trò chơi dân gian, công tác tình nguyện dịp Tết hay những ngày hội “Xuân sẻ chia”… Học sinh nhiều trường còn dành thời gian cuối năm đi bán heo đất dạo hoặc gói bánh chưng, bánh tét dành tặng những bạn nhỏ mồ côi, khó khăn xung quanh mình.

Gần 20 năm nay, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đã có nhiều hội xuân ý nghĩa như thế. Gác lại những bộn bề, họ vui vẻ cùng nhau tái dựng những trò chơi dân gian quen thuộc, cùng thực hiện những món ngon ngày Tết và tổ chức một hội chợ xuân để trải nghiệm không khí Tết xưa. Tại Hội chợ “Văn hóa dân gian” của ngôi trường này, đâu đâu cũng bắt gặp những điều thân thuộc của ngày Tết truyền thống. Ở góc này nhóm bạn chơi ô ăn quan, bắn cung, ném lon hay phóng tiêu, tham gia hội làng thì tại góc kia có người tỉ mỉ viết thư pháp, hòa mình vào những điệu múa dân gian với áo tứ thân, nón quai thao hay áo dài rực rỡ sắc xuân. Nhạc xuân vang lên rộn rã, hòa vào tiếng cười nói của thầy trò và các bậc phụ huynh tạo nên một không gian ấm áp tình thân.

“Chúng tôi muốn cùng nhau lưu giữ những điều tốt đẹp của ngày Tết Việt và giúp học sinh ngày nay biết được giá trị của văn hóa truyền thống. Thay vì lướt facebook, xem ti vi hay tìm cách “giết thời gian”, các em sẽ cùng bạn bè lên ý tưởng để trang trí gian hàng, bổ sung các hoạt động để thu hút người tham gia. Điều ý nghĩa là số tiền thu về từ các hoạt động này sẽ được chuyển thành những món quà ý nghĩa dành tặng học sinh khó khăn. Nhà trường cũng dành tặng nhiều học bổng cho học sinh nghèo hiếu học như một cách trao lời động viên cho các em dịp Tết đến, xuân về. Đó là cách chúng tôi giáo dục học trò của mình, giúp các em hiểu được giá trị của sự gắn kết, sẻ chia”, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân phấn khởi cho hay.

Mỗi trường, mỗi cơ sở có cách thể hiện riêng nhưng điều mà những người làm giáo dục mong muốn vẫn là để thế hệ trẻ hiểu được giá trị truyền thống và ý nghĩa nhân văn của ngày Tết. Khi đã hiểu, đã yêu thì dù cuộc sống có thay đổi như thế nào, công nghệ có phát triển ra sao, các em vẫn biết cách gìn giữ, lưu truyền những điều tốt đẹp của dân tộc.

Mỹ Dung/Báo TNVN

Có thể bạn quan tâm