Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối năm 2018, Trung ương Đảng giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tiếp tục phát động cuộc vận động học tập và làm theo Bác chuyên đề 2019 thông qua hội nghị trực tuyến diễn ra ngày 14-12 tại Hà Nội và 53 điểm cầu tại các tỉnh, thành trong nước. Chuyên đề mới chính là “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hội nghị đã nghe PGS.TS Bùi Đình Phong-giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-quán triệt nội dung chuyên đề. Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, tư tưởng tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ và chăm lo đời sống của nhân dân xuất phát từ những bài học lớn đúc kết từ chiều sâu lịch sử dân tộc, đồng thời là sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, quần chúng nhân dân chẳng những là đa số công nhân, mà là đa số những người bị bóc lột. Từ nhận thức đó, Chủ nghĩa Mác-Lênin phê phán mạnh mẽ quan điểm sai lầm hạ thấp và phủ nhận vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử. Phê phán gay gắt quan niệm sai lầm, Chủ nghĩa Mác-Lênin đồng thời khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chính quần chúng đã sáng tạo nên lịch sử. Lịch sử xã hội phát triển có những bước quanh co, phức tạp, nhưng rồi lại ổn định trở lại với một trật tự nhất định do nhờ có vai trò hoạt động của quần chúng. Ăngghen từng nói: “Quần chúng là những người đã đưa mọi việc trở lại nền nếp”.

Trao giải Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức. Ảnh: Thanh Nhật



Trong cách mạng vô sản, giai cấp công nhân là người có sứ mệnh thủ tiêu chế độ áp bức bóc lột tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Mác hình tượng sự ủng hộ của lực lượng nông dân đông đảo đối với các phong trào vô sản là một bài đồng ca, mà nếu không có được bài đồng ca đó thì cách mạng vô sản sẽ trở thành một bài ai điếu. Còn Lênin coi sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân lao động là điều kiện và cũng là mục tiêu hoạt động của giai cấp vô sản. Lênin đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng Cộng sản và quần chúng nhân dân. Người coi đó là một nguyên tắc bất di bất dịch đối với việc xây dựng một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Theo Lênin, sau khi giành được chính quyền, để đảm bảo cho cuộc cách mạng vô sản đi đến thắng lợi hoàn toàn, Đảng Cộng sản không được tách rời quần chúng mà phải gắn bó chăm lo phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân.

Tiếp thu và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Và Bác cũng đã có thơ khẳng định chân lý này: “Gốc có vững thì cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Trên cơ sở nhận thức “lấy dân làm gốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những điều “không nên làm” và những điều “nên làm” với dân. Người căn dặn cán bộ không được hứa suông, không làm hoặc làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem thường họ. Và những điều nên làm là những việc thực tế hàng ngày, liên quan đến người dân, quan hệ giữa cán bộ và dân, nhất là “làm cho dân nhận thấy mình (cán bộ-P.V) là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật”.

Tư tưởng trọng dân, phát huy dân chủ và chăm lo đời sống nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn đã được khẳng định từ trong chiều dài lịch sử cho đến thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ hiện nay. Đảng ta từ lúc mới thành lập cũng như trải qua quá trình 89 năm thử thách, trưởng thành và lớn mạnh đã kế thừa và vận dụng sáng tạo, nghiêm cẩn Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân và vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đều thành công, thắng lợi, được nhân dân đồng tình ủng hộ, lựa chọn đoàn kết đi theo dưới ngọn cờ của Đảng.

Tư tưởng coi trọng vai trò, sức mạnh cũng như trách nhiệm chăm lo nhân dân thể hiện tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trong các nhiệm vụ cụ thể. Đó là “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đó là “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.

Như vậy, trước sau tư tưởng của Đảng, của Bác Hồ về vai trò nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân đều được thực hiện một cách thuyết phục chẳng những trên lý luận mà còn trong thực tế. Và đó là di sản tinh thần quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta.

Vậy để thực hiện chuyên đề này, cụ thể thì cán bộ, đảng viên phải làm gì? PGS.TS Bùi Đình Phong đã chỉ ra rằng, từ chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mỗi cán bộ, đảng viên cần xây dựng kế hoạch cụ thể, gắn với công việc chuyên môn được giao để học tập và làm theo Bác một cách cụ thể, thiết thực nhất.

Trên bình diện quốc gia, trong nhiều diễn đàn, sinh hoạt chính trị, nói chuyện, tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều lồng ghép tinh thần chuyên đề học tập và làm theo Bác với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước hiện nay. Đó không gì khác là khơi dậy và phát huy tiềm năng đất nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc phản động; quyết liệt chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là người phát động và đi đầu.

Trong khi đó, nhiệm vụ của cấp ủy các cấp là phối hợp với lãnh đạo chính quyền, đoàn thể lựa chọn những hạn chế, tồn tại liên quan tới 3 vế của nội dung chuyên đề áp dụng vào ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị  để tập trung giải quyết, gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các phong trào thi đua của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là Nghị quyết  Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Quy định 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Với Gia Lai, ngay tại hội nghị học tập quán triệt chuyên đề năm 2019, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thêm một lần nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của việc ban hành chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2019. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, đại biểu sau khi dự hội nghị tiếp thu quán triệt chuyên đề, nhanh chóng có kế hoạch, chương trình học tập và làm theo Bác cụ thể, sát với chức trách, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên sơ kết, kiểm điểm đánh giá để xem giữa việc đăng ký và kết quả thực hiện đến mức độ nào mà có hướng phấn đấu rèn luyện tiếp theo, quyết tâm đưa chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2019 đi vào cuộc sống một cách thực chất và thực sự phát huy hiệu quả.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm