Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

"Điểm tựa" của làng Beng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người dân làng Beng (xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) xem Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Puih Sinh-Tổ trưởng Tổ sản xuất số 2 (Đội 10, Công ty TNHH một thành viên 74, Binh đoàn 15) như “điểm tựa” vững chắc của cộng đồng. Anh không chỉ hỗ trợ bà con phát triển kinh tế mà còn giúp họ từ bỏ các tập tục lạc hậu để xây dựng nếp sống mới.

Giúp dân làng từ bỏ hủ tục

Già làng Rơ Châm Chích kể: Trước đây, đồng bào mình còn nhiều hủ tục như: tổ chức đám cưới, đám ma nhiều ngày gây tốn kém; chia của cho người chết; chữa bệnh bằng cúng bái; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... làm suy thoái nòi giống và đói nghèo, lạc hậu. Thế rồi, mọi chuyện dần thay đổi kể từ năm 2002, khi anh Puih Sinh vào làm công nhân cho Công ty 74. Không cam tâm nhìn cảnh bà con chịu cảnh đói nghèo, được sự động viên của lãnh đạo đơn vị, Puih Sinh bàn với già làng và cán bộ thôn tìm cách xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Sau đó, anh đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con thực hiện.

Đại úy Puih Sinh hướng dẫn công nhân kỹ thuật khai thác mủ cao su. Ảnh: Sơn Tùng
Đại úy Puih Sinh hướng dẫn công nhân kỹ thuật khai thác mủ cao su. Ảnh: Sơn Tùng


Thời gian đầu, anh Puih Sinh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là để thay đổi những thói quen xấu, tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong cộng đồng từ bao đời. Nhiều người còn không tin Puih Sinh, coi anh như đứa con lạc loài của làng. Nhưng với tình cảm sâu nặng với bà con, anh đã kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm.

Theo đó, nhà ai có việc hiếu, việc hỉ, Puih Sinh là người có mặt đầu tiên để cùng với gia chủ tổ chức các nghi lễ phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và nếp sống mới, tránh lãng phí không cần thiết. Khi có người đau ốm, anh cùng với cán bộ quân y của đơn vị đến khám bệnh, cấp thuốc hoặc đưa đi các cơ sở y tế. Anh cũng đề xuất với Hội Phụ nữ Công ty 74 mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sức khỏe sinh sản, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho phụ nữ, thanh niên của đơn vị và các làng người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Chị Rơ Mah Ble nhận xét: “Puih Sinh giỏi lắm, đã hướng dẫn bà con làm kinh tế và từ bỏ các tập tục lạc hậu. Người Jrai mình rất tự hào vì có bộ đội Puih Sinh”.          

Theo Puih Sinh để thoát nghèo

Trước đây, nhiều người trong làng rời quê hương đi làm công nhân ở các khu công nghiệp phía Nam nhưng không có cuộc sống như mong đợi, thậm chí nhiều người còn trở về với hai bàn tay trắng, để lại nhiều hệ lụy, nương rẫy bỏ hoang. Thấy vậy, Đại úy Puih Sinh đến động viên, hướng dẫn họ làm kinh tế. Anh chứng minh cho mọi người thấy cuộc sống sẽ thay đổi nếu biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoặc đi làm công nhân cho các công ty của Binh đoàn 15. Ngoài công việc ở Công ty, Puih Sinh còn xây dựng trang trại tổng hợp với 2 ha cao su, 2,2 ha cà phê, 5 ha điều, 1 ha lúa nước, 10 con trâu, 7 con bò và 7 con dê. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về trên 150 triệu đồng/năm. Anh xây nhà to đẹp, khang trang, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt tiện nghi.

 Đại úy Puih Sinh (ngồi chính giữa) hướng dẫn công nhân người dân tộc thiểu số mài dao khai thác mủ cao su. Ảnh: Sơn Tùng
Đại úy Puih Sinh (ngồi chính giữa) hướng dẫn công nhân dân tộc thiểu số mài dao khai thác mủ cao su. Ảnh: Sơn Tùng


Nhiều người dân trong vùng nghe lời Đại úy Puih Sinh vào làm công nhân cho Công ty 74. Riêng Tổ sản xuất số 2 do anh quản lý có hơn 100 lao động người dân tộc thiểu số. Hiện tại, giá mủ cao su vẫn ở mức thấp, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thời tiết không thuận lợi đã làm cho cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, anh động viên mọi người quyết tâm, càng khó khăn càng phải nỗ lực phấn đấu, giá mủ thấp thì cố gắng tăng năng suất để bù lại. Anh đã tổ chức cho công nhân học tập, rèn luyện, rút kinh nghiệm sau mỗi ngày làm việc. Anh nhắc nhở công nhân trước khi lên lô phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ lao động, nhất là mài dao cạo mủ cao su sao cho sắc bén; mọi tác động vào cây đều phải đúng thời điểm, đúng kỹ thuật; khi vào mùa mưa thì phải tỉ mỉ kiểm tra, đánh dấu vị trí rò rỉ trên từng cây để khắc phục.

Trung tá Nguyễn Hồng Lam-Giám đốc Công ty 74-nhận xét: “Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Puih Sinh là người hiểu rõ dân làng mình nhất. Với năng lực, kinh nghiệm và uy tín, anh đã quản lý, động viên mọi người trong tổ sản xuất hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cá nhân Đại úy Puih Sinh thường xuyên được đơn vị biểu dương, khen thưởng và được cử đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II-2020”.

 

SƠN TÙNG

Có thể bạn quan tâm