Điều trị sớm bệnh lao xương khớp, tránh tàn phế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bác sĩ Nguyễn Đại-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai cho biết: “Sau lao phổi thì lao xương khớp là một trong những thể lao hay gặp nhất. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên người bệnh thường ít chú ý hoặc nhầm tưởng là các bệnh cơ xương khớp thông thường khác dẫn đến việc phát hiện muộn và xuất hiện các biến chứng gây tàn phế”.

 Cần đi khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh lao xương. Ảnh: N.N
Cần đi khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh lao xương. Ảnh: N.N

Theo bác sĩ Đại, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị lao xương khớp trong giai đoạn muộn và thường đã qua điều trị, thậm chí có trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng nhưng do điều trị không đúng bệnh dẫn đến bệnh không khỏi. Lứa tuổi thường gặp của bệnh lao xương khớp nằm trong khoảng độ tuổi khá trẻ, từ 16 đến 45 tuổi nên việc phát hiện càng muộn sẽ khiến bệnh ngày càng nặng hơn, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.   

Các bệnh lao xương khớp thường gặp là lao cột sống chiếm đến trên 60%, tiếp đến là lao khớp háng, lao khớp gối, lao khớp bàn chân, cổ chân… Lao xương khớp thường xuất hiện sau lao sơ nhiễm 2-3 năm. Vi khuẩn lao có thể lan từ phức hợp sơ nhiễm tới bất kỳ xương hoặc khớp nào trong cơ thể chủ yếu theo đường máu, ít trường hợp vi khuẩn theo đường bạch huyết…

“Do lao xương khớp tiến triển chậm, âm ỉ khiến người bệnh chủ quan, bỏ qua những dấu hiệu ban đầu nên không phát hiện sớm, điều trị kịp thời gây những biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh lao xương khớp lâu ngày không điều trị có thể  bị liệt tứ chi do vi khuẩn làm cột sống biến dạng, chèn ép tủy sống và rễ thần kinh, ảnh hưởng đến các cơ quan, phổi, màng não... gây nguy kịch dẫn đến tử vong. Lao xương khớp để lâu không chữa còn có thể dẫn tới xẹp đốt sống gây gù, vẹo cột sống;  teo cơ, đi lại khó khăn, hạn chế vận động… Ngoài ra, nếu khối áp-xe vỡ vào trung thất thì còn gây chèn ép tim, suy hô hấp, trụy mạch có thể dẫn tới tử vong…”-bác sĩ Đại cho biết thêm.

Những triệu chứng thông thường để nhận biết lao xương khớp là bệnh nhân có thể gặp các dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc dài ngày như sốt dai dẳng ở mức độ vừa và nhẹ, sốt về chiều, kém ăn, mệt mỏi và hay đổ mồ hôi, đau cơ xương khớp. “Khi phát hiện có các dấu hiệu bất thường như trên, người bệnh có thể đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai (xã Trà Đa, TP. Pleiku) để khám và làm các xét nghiệm cần thiết, qua đó chẩn đoán đúng bệnh. Tùy từng loại bệnh bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị tối ưu nhất. Phát hiện sớm bệnh lao xương khớp và điều trị tích cực, đúng nguyên tắc sẽ chữa khỏi bệnh hoàn toàn trong khoảng 9 đến 12 tháng. Để phòng bệnh lao hiệu quả, trẻ em cần được tiêm phòng vắc xin lao sau khi sinh càng sớm càng tốt”-bác sĩ Đại khuyến cáo.

 Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm