Nắng chiều đổ bóng xuống đình An Cư. Đám trẻ con tan học tụ về đây chơi nhảy dây, đánh cầu, đọc sách. Tiếng nói cười rộn vang. Từng cơn gió từ dãy Hòn Cong phía sau đình thổi tới xua tan cái nóng đầu hè. Khung cảnh bình yên đậm chất quê kiểng của làng Việt khiến lòng người không khỏi bồi hồi.
Bà Võ Thị Xuân Đỉnh (911 Quang Trung, phường An Bình) là người “giữ đình” nhiều chục năm qua. Bà cho biết, ông cố nội của bà là Võ Tước là một trong những người có công “khai sơn, lập điền” trên vùng đất võ. Người An Khê vẫn truyền nhau rằng, đất đai của dòng họ Võ xưa kia “phía Nam cận quốc lộ 19, phía Bắc cận sơn (núi Hòn Cong), phía Đông cận làng Tân Lai, phía Tây cận làng Chí Thành”. Không chỉ có đình An Cư, mà chợ Đồn và một số công trình văn hóa ở phường An Bình được cho là nằm trên đất của dòng họ Võ xưa kia.
Đến thời ông nội của bà Đỉnh là Võ Xuân Hương, cha là Võ Xuân Lý, rồi con cháu sau này thay phiên nhau trông coi, bảo vệ đình làng. “Do chiến tranh tàn phá và nhiều yếu tố tác động, đình gần như bị phá sập, hư hỏng hoàn toàn. Rất may là gia đình vẫn giữ lại được một số di vật như sắc phong thời Bảo Đại, hòm gỗ đựng những đồ quan trọng và một số đồ tế lễ. Hơn 10 năm trước, gia đình tôi cùng bà con nơi đây tiến hành trùng tu đình làng. Từ 2 cái đà và trụ gỗ của đình cũ bị sập, một người em đã tạc cặp cá chép và con rùa để thờ trong đình mới. Trên nền móng đình cũ, dòng họ chúng tôi đóng góp hàng trăm triệu đồng để trùng tu, tôn tạo như hiện nay. Chúng tôi cố gắng giữ lại những gì có thể, dẫu không nguyên vẹn với mong muốn con cháu thấy được giá trị tinh thần cha ông để lại. Hơn nữa, tiền nhân đã có công lập đình, đến thế hệ tiếp nối có trách nhiệm gìn giữ mới là lẽ sống trọn đạo hiếu”-bà Đỉnh nói. Sau mỗi lần tu sửa, gia đình bà Đỉnh đều cẩn thận ghi mốc thời gian lên một góc tường để ghi nhớ.
Những linh vật từ đình cũ bị sập dù hư hao vẫn được sắp xếp cẩn thận ở một góc sân đình.
Cũng theo bà Đỉnh, từ nhỏ bà đã theo cha chuẩn bị nhang đèn trong những lần tế lễ ở đình làng. Khi cha mất, bà thay cha đảm đương công việc này cho đến nay.
Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh), toàn tỉnh hiện có 2 ngôi đình còn giữ được sắc phong thời Vua Bảo Đại là ở đình An Cư (được sắc phong năm 1933) và đình Chí Thành ở huyện Đak Pơ (năm 1940). “2 sắc phong ở đình An Cư còn đặc biệt ở chỗ, đó là sắc phong cuối cùng của triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam còn lại tại vùng An Khê ngày nay. Vị trí đình An Cư cũng rất đặc biệt. Đây là nơi gắn kết các ngôi đình ở 3 làng giáp ranh với nhau, đó là đình Tân An (thôn Tân An), đình Tân Lai (thôn Tân Lai-ban đầu nằm ở vị trí đối diện đình Tân An, sau mới dời vào vị trí như hiện nay ở phía trong phường An Bình). Đình An Cư nằm ngay phía sau đình Tân An và phải có lý do để 3 ngôi đình nằm sát nhau như vậy, vì các đình làng thường cách xa nhau. Điều này chứng tỏ rằng, nơi đây từng là trung tâm giao thương của khu vực, đã có giai đoạn phát triển rực rỡ trong lịch sử”-Tiến sĩ Sơn nhận định.
Mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nhưng đình An Cư đến nay vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử. Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho rằng, việc làm hồ sơ công nhận di tích không phải là xếp hạng đối với riêng ngôi đình, mà đó là cánh cửa để tìm về quá khứ.
Ông Lưu Trung Dũng-Chủ tịch UBND phường An Bình-cho biết: Trên địa bàn phường hiện có 6 đình, miếu. Trong đó có 2 ngôi đình Tân Lai, Tân Chánh và 2 ngôi miếu Tân An, Tân Lai đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Đình An Cư thành lập khá sớm, có các sắc phong từ những năm đầu thế kỷ XX. Trải qua chiến tranh cùng thời gian, ngôi đình được gìn giữ cho đến hôm nay có công lao rất lớn của dòng họ Võ.
“Hàng năm, đình vẫn duy trì các nghi lễ gắn với đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Dịp lễ, Tết, con cháu tề tựu về đây như tìm về nguồn cội. Người dân có sự đóng góp để duy trì các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nhưng dòng họ Võ có công lớn trong việc trông coi, chăm sóc, bảo vệ đình làng. Nhưng cũng vì nằm trên phần đất đai của gia đình họ Võ nên việc lập hồ sơ di tích cho đình hiện gặp một số vướng mắc. Chúng tôi đã mời các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn về khảo sát, lập hồ sơ di tích. Địa phương cũng tổ chức gặp gỡ gia đình họ Võ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ nhằm gỡ nút thắt với mong muốn đình An Cư sớm được công nhận di tích. Đây không chỉ là vinh dự chung mà còn là nguồn lực để địa phương cùng với gia đình họ Võ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, phát huy tốt hơn giá trị di tích”-Chủ tịch UBND phường An Bình thông tin.