(GLO)- Bên cạnh những thiệt hại nặng nề của người dân, thì bão số 12 cũng gây thiệt hại không hề nhỏ cho các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, khi hàng ngàn cây cao su, hồ tiêu, nhà kính… của các doanh nghiệp này bị gió bão gây đổ ngã, làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT tính đến nay tổng thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra trên địa bàn là trên 184 tỷ đồng. Cụ thể, thiệt hại về nhà cửa trên 3,6 tỷ đồng; thiệt hại về nông-lâm nghiệp gần 164 tỷ đồng; thiệt hại về chăn nuôi trên 1,2 tỷ đồng; thiệt hại về các công trình thủy lợi, giao thông trên 13,5 tỷ đồng… Trong đó, tổng thiệt hại của doanh nghiệp trồng cao su, hồ tiêu… trên địa bàn ước khoảng 45 tỷ đồng.
Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Q.T |
Chịu thiệt hại nặng nề nhất là Công ty cổ phần Đầu tư-Xây dựng 194 (tại thôn 6, xã Ia Le, huyện Chư Pưh), khi bão đi qua đã gây đổ ngã và không có khả năng phục hồi trên 41 ngàn cây cao su 12 năm tuổi tại 28 lô cao su của công ty (tương đương khoảng 80 ha trên tổng 350 ha cao su của công ty tại đây). Được biết, đây là thời kỳ sung sức nhất của cây cao su và cho lượng mủ rất lớn, theo ước tính của công ty thì tổng giá trị thiệt hại lên tới 41 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thưởng-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư-Xây dựng 194, bão số 12 đã gây thiệt hại kinh khủng cho ông ty, hàng ngàn cây cao su 12 năm tuổi của công ty bị ngã la liệt, hầu hết không có khả năng phục hồi, không còn giá trị kinh tế nữa. Bão số 12 không những ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của công ty mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến thu nhập của người lao động (trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ). Bởi vì họ nhận khoán vườn cạo để ăn sản phẩm nên thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, rất mong nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người lao động vượt qua khó khăn trong cơn bão vừa qua.
Hiện mỗi ngày công ty huy động 3 máy đào, 46 cưa lóc, gần 100 nhân công để thu dọn những cây bị đổ ngã cũng như dựng lại những cây bị nghiêng nhưng hy vọng cứu sống là rất thấp vì đây là thời điểm mùa khô và cũng không thể trồng lại vì cao su đã vào thời kỳ thu hoạch thì có trồng cây mới thì cũng không lên được. Dự kiến phải mất khoảng 1 tháng thì công tác khắc phục mới xong, tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền của công ty, ông Thưởng cho biết thêm.
Hiện Công ty cổ phần Đầu tư-Xây dựng 194 vẫn đang tiến hành khắc phục sau bão. Ảnh: Q.T |
Tương tự, cây bão số 12 cũng đã gây đổ ngã hơn 4 ngàn cây cao su đang trong thời kỳ khai thác của Công ty TNHH một thành viên cao su Mang Yang, trong đó có 3 ngàn cây không có khả năng phục hồi; bão cũng làm nhiều diện tích hồ tiêu, nhà lưới, nhà tạm công nhân của Công ty Olam (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) gãy đổ, hư hỏng, gây thiệt hại khoảng 167 triệu đồng…
Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết, hiện huyện vẫn đang thành lập các đoàn để tiến hành đi kiểm tra, rà soát thiệt hại của người dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn để có báo cáo về tỉnh. Trước mắt, huyện sẽ ưu tiên kiểm tra các hộ dân bị thiệt hại trước, để báo cáo tỉnh hỗ trợ kịp thời cho các khắc phục thiệt hại theo Nghị định 02 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Văn Lương-Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) cho biết, việc hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo Nghị định thì thiệt hại của các doanh nghiệp này không thuộc đối tượng hỗ trợ, trường hợp công ty khó khăn về vốn thì tỉnh sẽ tạo điều kiện để công ty được gia hạn nợ, giản nợ vay hoặc cho vay mới để tái sản xuất sau bão...
Quang Tấn