Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Dốc xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hôm rồi, tôi lại theo chị Năm lên con dốc xưa. Thú thật, nếu không có chị cầm dao phát lối thì chính tôi cũng chẳng còn nhớ được đường đi. Nếu ở đồng bằng, đường càng đi nhiều càng rõ lối thì ở đây, đường còn hay không là ở chính trái tim mình. Cỏ vô thường sẽ phủ lấp dấu chân ta như một sự lãng quên ở bất kỳ lối đi nào. Chị Năm hỏi tôi, cậu có còn nhớ chỗ này, chỗ kia không? Thực ra, ký ức trong tôi cũng vừa được đánh thức, còn đang ngai ngái mùi nhựa cây cỏ của thuở nào.

Chị Năm và tôi hợp tính nên rất gắn bó, đi đâu cũng có nhau. Ngay từ bé, tôi đã nhận ra đá ở con dốc này nhiều lắm. Đá lẫn vào đất, đá muôn hình trạng, đá mát và lành. Có điều, bước trên đá cũng rất nhiều cực nhọc bởi sự chênh vênh, nhất là những ngày mưa trơn trượt. Lúc đó, chị Năm đi trước, cũng cầm con dao dài, vừa phát những cây dại mọc lan ra vừa giải thích: “Đường do tay mình phát mới là của mình, trên đất nhà mình. Cái chỗ đường thông thoáng kia là đất nhà khác đó”.

Ngày ấy, đất đai mênh mông chưa thấy cắm mốc, rào giậu như bây giờ nên tất cả chỉ là tương đối. Phần đất nhà tôi nằm ở trên cao, muốn lên phải leo dốc. Đó là một con dốc mà đến bây giờ dù đã đi khắp nơi tôi vẫn thấy nó hiểm hóc, khúc khuỷu và lạ kỳ.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Tôi nhớ có lần đi lấy củi với mẹ, để mang về mấy cây củi to qua con dốc, mẹ phải đặt trên cái giá đỡ là hai tảng đá rồi ghé vai vào vác rồi từ từ bước đi. Tôi cũng đòi vác, mẹ không cho, thế là hờn. Lúc này, mẹ chỉ có một tay để dắt tôi, tôi thì cứ ngồi bệt xuống đất lì ra... ăn vạ. Vì thế, mẹ chẳng còn cách nào khác là phải ngả những cây củi từ trên vai xuống để dỗ tôi. Sức nặng và sự chênh vênh của con dốc đã làm mẹ ngã, cú trượt dài ngay thành dốc khiến chân mẹ bị gãy. Phải mấy tháng sau chân mẹ mới lành. Từ đó, tôi thấy ghét con dốc đã làm chân mẹ đau mà quên mất rằng, mình mới là nguyên nhân của vết thương ấy. Con dốc của tuổi thơ tình cờ trở thành bài học đầu đời, như vết sẹo của thời gian.

Mấy chục năm sau, những con đường mới mở đã phá vỡ sự u tịch của núi rừng. Khoảng cách giữa miền núi và thành phố được rút ngắn lại, nhiều khu nghỉ dưỡng được xây dựng, người ta cũng theo nhau bán đi những phần đất không còn canh tác. Nhưng không hiểu sao, khu đồi dốc nhà tôi và cái xóm nhỏ này vẫn nguyên vẹn, chỉ khác là có sự thay đổi của nhiều loại cây trồng. Chim vẫn từ rừng về hót lảnh lót như thể chúng mới là chủ nhân đích thực của khu đất này. Mùa qua mùa, lá rụng về vun cội, lá xanh hăm hở dần cứng cáp trong gió mưa. Có người già đã thác về với cội cũng được đưa xuống từ con dốc này. Những đứa trẻ lớn lên có đôi chân mềm như cỏ lại từng ngày leo dốc, xóm núi như một câu chuyện dài cứ kể mãi không hết.

Chị Năm ngồi bệt xuống tảng đá và thở, mồ hôi lấm tấm trên vầng trán đầy nếp nhăn. Tôi chợt như thấy bóng chiều trong đôi mắt to tròn của chị hôm nào. Thời gian của đời người được nhắc đi nhắc lại từng ngày bằng bước đi của ánh sáng. Với chị, chiều nay vừa là phút muộn màng của ngày cuối hạ, vừa của tuổi xế bóng. Tôi thương chị mà chẳng biết nói gì. Dốc vẫn thế, thử thách đôi chân con trẻ. Rồi khi chúng tôi lớn cảm thấy nó thấp tè và đến khi có tuổi tác lại thấy nó dựng đứng trước tầm mắt.

Nhưng ngẫm lại, dốc chênh vênh nhưng đã là gì so với những thách thức của đường đời. Có khi chân ta lướt trên đá lát sáng bóng, trên sàn gỗ êm mát mà áp lực như nước lũ dồn lên hai thái dương. Nơi tảng đá chìa ra mà tôi đã từng hờn giận để mẹ phải xoay xở với những thanh củi nặng và bị ngã đã chỉ còn những chiếc lá vàng vừa rụng xuống. Thời gian đằng đẵng mà vô thường, vừa nhắc ta hoài niệm vừa thảng thốt xóa đi dấu vết cũ, chỉ còn lại hình bóng của con dốc ngày xưa.

Có thể bạn quan tâm