Thể thao

Thể thao cộng đồng

Đội Trung Quốc bất lợi tâm lý thế nào so với tuyển Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chịu đựng sức ép dữ dội buộc phải thắng tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 có thể gây ra hiệu ứng không tốt về mặt tâm lý cho đội Trung Quốc. Thầy trò HLV Park Hang-seo cần tận dụng tốt cơ hội này để có được những điểm số đầu tiên tại sân chơi đẳng cấp cao.

Đội Trung Quốc (phải) chưa thể hiện được lối chơi tốt ở hai trận đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Ảnh: Reuters
Đội Trung Quốc (phải) chưa thể hiện được lối chơi tốt ở hai trận đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Ảnh: Reuters
 Trăm bề sức ép
“HLV Li Tie sẽ bị sa thải nếu đội Trung Quốc không thắng được tuyển Việt Nam vào ngày 7.10”, “Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc - CFA yêu cầu tuyển Trung Quốc buộc phải đánh bại tuyển Việt Nam, phải giành được 3 điểm, không còn cách nào khác”… Đó chỉ là một vài ví dụ điển hình về những thông tin mà đội Trung Quốc dồn dập đón nhận trong quá trình chuẩn bị cho trận gặp tuyển Việt Nam ở lượt trận tiếp theo vòng loại World Cup thứ 3 khu vực châu Á. Truyền thông nước này cũng đặt lên vai gánh nặng tinh thần cho thầy trò HLV Li Tie với những bài viết có đại ý, đội Trung Quốc có thể thua ai nhưng không được phép thất bại trước tuyển Việt Nam.
Tôi cũng muốn nói thêm một yếu tố quan trọng khác nữa có thể sẽ khiến đội Trung Quốc bị oải bởi vì khi họ xa gia đình, xa vợ hay người yêu lâu ngày, vấn đề tâm sinh lý cũng ít nhiều bị ảnh hưởng
Cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh dũng
Có thể lý giải được phần nào việc đội Trung Quốc bị đưa vào tình thế “ngặt nghèo” đến như thế. Nhằm hiện thực hóa giấc mơ lần nữa giành vé dự World Cup (đội Trung Quốc từng dự World Cup năm 2002), bóng đá Trung Quốc đã kích hoạt một kế hoạch đồ sộ, trong đó đáng kể nhất là chiến dịch nhập tịch ồ ạt các cầu thủ Brazil (tới 4 người). Tuy nhiên, ở hai trận đầu vòng loại thứ 3 World Cup 2022, tuyển Trung Quốc đã thua đội Úc với tỷ số 0-3 và thua Nhật Bản 0-1, thậm chí đang xếp sau cả tuyển Việt Nam tại bảng B (do Việt Nam dù cũng thua 2 trận nhưng hơn hiệu số bàn thắng bại).
Một thông tin rất đáng lưu tâm là ở đợt kiểm tra thể lực gần đây, HLV Li Tie đã cho học trò thi đấu giao hữu nội bộ, mỗi hiệp 35 phút. Tuy nhiên, trên báo chí Trung Quốc, Ban kỹ thuật đội tuyển Trung Quốc đã tiết lộ chỉ số đáng quan ngại là thể trạng cầu thủ giảm 30% so với thông thường. Đội bóng này còn có cầu thủ dính chấn thương. Đó là những khó khăn mà đội bạn đang vấp phải.

Tuyển Việt Nam (trái) thi đấu đầy nỗ lực trận gặp đội Úc. Ảnh: Minh Tú
Tuyển Việt Nam (trái) thi đấu đầy nỗ lực trận gặp đội Úc. Ảnh: Minh Tú
Rắc rối chồng rắc rối
Đội Trung Quốc với số lượng thành viên lên đến 80 người đã di chuyển sang Tây Á từ đầu tháng 8 để chuẩn bị cho loạt trận đầu tiên của vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đội Trung Quốc không được phép tổ chức các trận đấu sân nhà trên lãnh thổ nước mình nên phải chọn sân trung gian. Họ đã chọn sân Al Khalifa (Qatar) làm sân nhà cho các trận đấu gồm: Úc gặp Trung Quốc ngày 2.9, Trung Quốc gặp Nhật Bản ngày 7.9. Sau trận thua tuyển Nhật Bản, thầy trò HLV Li Tie đã rời Qatar, hành quân sang UAE, nơi họ chọn sân Sharjah của nước này làm sân nhà trận gặp đội Việt Nam vào ngày 7.10 (dự kiến lúc 22 giờ theo giờ địa phương, tức 1 giờ ngày 8.10 theo giờ Việt Nam và sân Sharjah vốn đã khá quen thuộc với tuyển Việt Nam khi từng thi đấu tại Asian Cup 2019 và gần đây là 3 trận vòng loại thứ 2 World Cup 2022 hồi tháng 6). Toàn bộ quá trình tập luyện, thi đấu tại “sân nhà” của đội Trung Quốc đều thực hiện trong quy trình “bong bóng” khép kín và dĩ nhiên điều này cũng tác động không nhỏ đến tâm lý cầu thủ Trung Quốc.
Chưa kể mới đây, CFA và tuyển Trung Quốc còn hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của khán giả và báo chí bản địa khi thông tin về chi phí cho chuyến tập huấn tại UAE của đội này bị rò rỉ. Theo giới truyền thông Trung Quốc, mỗi ngày tại UAE, tiền ăn, ở khách sạn cho mỗi thành viên của đội Trung Quốc tốn kém khoảng 6.000 nhân dân tệ (khoảng 24 triệu đồng). Tức là trong 1 tháng tại UAE, đội Trung Quốc ngốn khoản kinh phí gần 58 tỉ đồng, chưa tính đến tiền thuê sân, di chuyển… Cựu trung vệ Mạnh Dũng nói: “Đội bạn đang chịu đựng áp lực khủng khiếp hơn chúng ta. Nếu ông Park và cộng sự cùng các học trò có được sự chuẩn bị tốt, tiếp tục nuôi dưỡng sự tự tin và tập trung cao độ, không chủ quan thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, tuyển Việt Nam sẽ từ hòa đến thắng đội Trung Quốc”.
Theo cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng, việc tập luyện trong thời gian hơn 2 tháng ở môi trường khá khác biệt với Trung Quốc (thời tiết tại các nước Tây Á rất khắc nghiệt, nắng nóng với nhiệt độ luôn ở mức cao) cũng sẽ làm thể lực và tinh thần đội Trung Quốc bị ảnh hưởng. Các cầu thủ dễ mỏi mệt về thể chất và tâm lý dễ bị căng cứng bởi chỉ có một “khung” di chuyển duy nhất phải thực hiện: từ khách sạn đến sân tập, sân thi đấu rồi ngược lại, không có bất kỳ một hoạt động ngoài lề nào khác mang tính giải trí lành mạnh giúp họ đỡ căng thẳng.
Trong khi đó, cựu trung vệ Mạnh Dũng chia sẻ: “Đội nào cũng phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt nói trên nhưng với tuyển Việt Nam, các cầu thủ của chúng ta tập huấn ngay tại đất nước mình, hít thở bầu không khí quen thuộc. Thầy Park còn rất tâm lý là sau trận gặp đội Úc, cho học trò xả trại một tuần để lấy lại sự hưng phấn và khi quay lại tập luyện, tinh thần anh em trở nên phấn chấn hơn vì năng lượng đã được tái tạo. Tôi cũng muốn nói thêm một yếu tố quan trọng khác nữa có thể sẽ khiến đội Trung Quốc bị oải bởi vì khi họ xa gia đình, xa vợ hay người yêu lâu ngày, vấn đề tâm sinh lý cũng ít nhiều bị ảnh hưởng”.
Theo Nhật Duy (TNO)

Có thể bạn quan tâm