Bóng đá Gia Lai: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đối với những người từng là cầu thủ của đội bóng của tỉnh Gia Lai ngày trước, cái thuở ban đầu dù gặp vô vàn khó khăn nhưng cũng đầy hứng khởi, để lại nhiều ấn tượng khó phai mờ.

Từ cầu thủ trở thành Phó Tổng cục trưởng

Một ngày cuối năm, tôi tìm đến nông trại Sport Farm của nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Phạm Văn Tuấn ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ngay từ cái tên của nông trại cũng đã cho thấy tấm chân tình ông dành cho thể thao.

Khi tôi đến, ông Tuấn lái một chiếc xe máy cũ đi kiểm tra vườn cây ăn quả rộng hơn 14 ha. Nếu không tìm hiểu trước thì có lẽ tôi không nhận ra vị “thủ lĩnh” của ngành thể thao quốc gia từng một thời… hét ra lửa!

Bên ấm trà trong ngôi nhà sàn, ông Tuấn trải lòng về sự nghiệp “quần đùi áo số” của mình. Đó là những ngày cậu nam sinh của Trường Trung học Pleiku mải mê quần thảo với trái bóng bằng đôi chân đất cùng chúng bạn ở sân Pleiku. Sân vận động khi ấy chỉ là một bãi đất trống với hàng thông cổ thụ bao quanh nhưng lại là cả một thế giới đầy mơ ước của ông. Ngoài giờ học, ông và các bạn ra sân bóng, đến khi mặt trời khuất núi mới trở về trong bộ quần áo lấm lem đất đỏ.

Nhờ khả năng chơi bóng nổi bật, kỹ thuật xử lý tình huống thông minh, năm 1972, nam sinh Phạm Văn Tuấn được tuyển vào đội bóng tỉnh. Thời điểm này, đội bóng có gần 30 cầu thủ. Thỉnh thoảng, đội bóng đá giao hữu với tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó, ông Tuấn còn tham gia đội bóng Rạng Đông của ông bầu Phạm Hồng Thái. Năm 1974, ông thi đậu tú tài I. Năm 1975, khi chuẩn bị thi tú tài II thì Pleiku được giải phóng.

Đội bóng Gia Lai-Kon Tum tham dự Giải Bóng đá Trường Sơn trên sân Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp).

Đội bóng Gia Lai-Kon Tum tham dự Giải Bóng đá Trường Sơn trên sân Pleiku (ảnh nhân vật cung cấp).

Tháng 11-1975, Ty Thể dục thể thao Gia Lai-Kon Tum được thành lập. Ông Đặng Công Quế làm Trưởng ty. Ông Trần Đình Thi làm Trưởng phòng Nghiệp vụ. Ông Trần Đình Hưng làm chuyên viên kiêm huấn luyện viên trưởng đội bóng. Để vực dậy phong trào bóng đá của tỉnh nhà, UBND tỉnh giao Ty Thể dục thể thao thành lập đội bóng với nòng cốt là các cựu học sinh ở Pleiku và Kon Tum. Ông Tuấn được triệu tập với vị trí trung vệ thòng.

“Ngày ấy, được khoác áo đội tuyển là một niềm vinh dự không phải ai cũng có được. Có người chỉ xin đi theo để được khoác lên mình màu áo của đội, dù công việc là... nhặt bóng. Mỗi dịp cuối tuần, khi có trận bóng diễn ra, người dân đổ về sân đông nghìn nghịt, nhiều người phải đứng xem.

Đội tuyển tỉnh được xem như báu vật, đều được bố trí công việc tại các cơ quan, xí nghiệp, ai có vợ rồi thì vợ cũng được tuyển vào làm. Riêng tôi được tuyển vào làm chuyên viên của Ty Thể dục thể thao. Anh em ai cũng vừa đi làm vừa đá bóng chứ không phải cầu thủ chỉ ăn tập rồi thi đấu như bây giờ”-ông Tuấn hồi tưởng.

Ăn khoai mì đi đá giải

Trong không khí hân hoan chào mừng đất nước thống nhất, Trung ương đã quyết định tổ chức 3 giải bóng ở 3 miền. Theo đó, giải đấu miền Bắc mang tên là Hồng Hà, miền Trung-Tây Nguyên mang tên Trường Sơn và miền Nam mang tên Cửu Long. Chuẩn bị cho giải, đầu tháng 1-1976, đội bóng Gia Lai-Kon Tum đã hội quân tập luyện để thi đấu cùng 5 đội bóng khác trong khu vực gồm: Bình Trị Thiên, Quảng Nam-Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh và Đak Lak.

Dù được quan tâm với những chế độ ưu tiên, song các cầu thủ thời ấy cũng nếm trải không ít cơ cực. Ông Tuấn kể, cầu thủ ăn ở tập trung tại Ty Thể dục thể thao, 2 người được cấp cho 1 chiếc giường nhỏ. Bữa sáng thường xuyên phải ăn khoai mì. Bữa trưa, bữa tối, cầu thủ thường xuyên ăn cơm độn, thực phẩm ít ỏi, khó có thể đáp ứng dinh dưỡng cho cường độ vận động của cầu thủ bóng đá.

Trong mỗi chuyến đi đá sân khách, hành trang mang theo của đoàn không chỉ có giày và bóng mà còn nồi niêu, xoong chảo, gạo, khoai, cá khô, thịt hộp… để tự túc ăn uống.

Ông Nguyễn Ngữ (SN 1956, xã Trà Đa, TP. Pleiku) là thủ môn đội bóng Gia Lai-Kon Tum tham gia Giải Bóng đá Trường Sơn. Ông hồi nhớ: “Hồi đó khó khổ nhưng anh em trong đội sống rất tình cảm, yêu thương, đùm bọc nhau. Mỗi đội đi đá đều đại diện cho tỉnh của mình nên tinh thần thi đấu rất cao.

Tôi nhớ mãi trận đấu tại sân Tự Do (tỉnh Bình Trị Thiên) gặp đội bóng Nghĩa Bình. Đối thủ rất mạnh với những cầu thủ đã trưởng thành, còn chúng tôi chỉ mới là học sinh đậu tú tài I nhưng lại được sự yêu mến, cổ động cuồng nhiệt của khán giả. Kết quả, chúng tôi đã hòa 0-0 trước đội Nghĩa Bình”.

Ông Ngữ cũng là cầu thủ trưởng thành từ học đường khi còn đang theo học tại Trường Trung học Bồ Đề. Nhà nghèo, những tưởng ông lỡ dở nghiệp đèn sách khi cha mẹ không đủ tiền đóng học phí. Song nhờ khả năng bắt bóng xuất sắc, lọt vào đội tuyển của trường nên ông được miễn 100% học phí.

“Ban đầu, cha mẹ không muốn cho tôi chơi bóng đá vì sợ chấn thương. Nhưng sau tôi mê quá, nhà trường cũng ưu tiên không thu học phí nên cha mẹ ủng hộ. Tôi đá ở đâu, cha cũng đi theo cổ vũ. Nhưng ngày đó, đá bóng khổ chứ không như bây giờ có chế độ cao, được ăn tập hàng ngày. Vì vậy, đến năm 1980, tôi nghỉ chơi bóng để đi học y khoa”-ông Ngữ tâm sự.

Từ bước ngoặt năm ấy, “người nhện” Nguyễn Ngữ của bóng đá Gia Lai-Kon Tum đã trở thành lương y.

Sau gần 50 năm, ông Nguyễn Ngữ (SN 1956, xã Trà Đa, TP. Pleiku) vẫn giữ lại những kỷ vật thời cầu thủ. Ảnh: L.G

Sau gần 50 năm, ông Nguyễn Ngữ (SN 1956, xã Trà Đa, TP. Pleiku) vẫn giữ lại những kỷ vật thời cầu thủ. Ảnh: L.G

Ông Đỗ Văn Bính (SN 1952, xã Trà Đa, TP. Pleiku) là cựu tiền đạo đội bóng Gia Lai-Kon Tum. Ông Bính thổ lộ: “Trước đây, chúng tôi đá bóng toàn chân đất vì không có tiền mua giày. Một người bạn đá cho đội Công nhân Nghĩa Bình lên Pleiku chơi bóng, trước khi về, anh tặng tôi đôi giày làm tôi mừng muốn rơi nước mắt.

Chúng tôi hầu hết làm trong cơ quan nhà nước, xí nghiệp nên vừa công tác vừa đá bóng, khi về hồ sơ chất chồng phải thức đêm làm bù nhưng không thấy mệt. Đi đá ở sân nào cũng là những bãi cỏ hoang nhưng khán giả đông nghịt khiến chúng tôi hưng phấn vô cùng”.

Ông Đỗ Văn Bính (SN 1952, xã Trà Đa, TP. Pleiku) là cựu tiền đạo đội bóng Gia Lai-Kon Tum năm xưa. Ảnh: L.G

Ông Đỗ Văn Bính (SN 1952, xã Trà Đa, TP. Pleiku) là cựu tiền đạo đội bóng Gia Lai-Kon Tum năm xưa. Ảnh: L.G

Trong thời gian khó ấy, không thể không kể đến những “ông bầu” đã góp phần giữ lửa cho bóng đá Gia Lai-Kon Tum. Ông Tuấn kể: Ông bầu đầu tiên và tâm huyết nhất với bóng đá là ông Nguyễn Thế Hùng, thường gọi là ông bầu Mỹ Vị, vì đây cũng là tên quán ăn trên đường Hùng Vương của ông.

Những năm thiếu thốn đủ bề, ông Hùng đã tài trợ giày, áo quần hay nhiều khi là những tô phở nóng hổi để xoa dịu cơn đói của các cầu thủ. Đồng hành với bóng đá Gia Lai-Kon Tum hàng chục năm trời, khi qua đời, tâm nguyện của ông Hùng là được các cầu thủ khiêng quan tài, đưa linh cữu đi trước cửa sân Pleiku.

“Thời bao cấp, Nhà nước và Nhân dân cùng gặp khó khăn. Nếu không có những ông bầu thì thật khó để giữ lửa cho đội bóng vì cuộc sống kham khổ. Ông bầu Mỹ Vị là một trong những người như thế. Đội thi đấu ở đâu ông cũng đồng hành để động viên, hỗ trợ anh em. Bóng đá Gia Lai-Kon Tum phát triển như bây giờ có một phần công sức và tâm huyết của những người khai mở như ông”-ông Tuấn chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm