Multimedia

Emagazine

E-magazine Đưa giá trị bảo vật quốc gia đến công chúng

Sưu tập gồm 10 hiện vật, trong đó có 4 chiếc rìu tay, 5 công cụ mũi nhọn và 1 chiếc rìu ghè 1 mặt. Các hiện vật này được các nhà khảo cổ trong đoàn khảo sát hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga phát hiện trong quá trình thám sát và khai quật khảo cổ bên thềm sông Ba từ năm 2014 đến 2019. Trong đó, 4 chiếc rìu tay ở An Khê được xem là tiêu biểu, điển hình không chỉ cho sơ kỳ Đá cũ An Khê mà cả Đá cũ châu Á. Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, đây là phát hiện thành công nhất trong 40 năm gắn bó với khảo cổ học và tìm kiếm trên mọi nẻo đường Tổ quốc của ông.

Nhớ lại giây phút lịch sử khi phát hiện chiếc rìu tay đầu tiên, vén bức màn lịch sử hàng vạn năm của loài người, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử kể: “Trung tuần tháng 3-2016, trong chuyến điều tra mở rộng tìm kiếm các di tích Đá cũ dọc đôi bờ sông Ba, tôi và các nhà khảo cổ Liên bang Nga liên tiếp phát hiện mới 2 rìu tay, 1 ở di tích Rộc Gáo 1 (phường Ngô Mây) và 1 ở Rộc Lớn (phường An Phước), thị xã An Khê. Sau những nhát cuốc đầu tiên, một phần vỏ cuội vàng óng hiện ra. Tôi dừng lại, dùng bay thận trọng tỉa từng chút đất, công cụ lộ dần. Linh tính báo cho tôi biết, đây là một di vật đặc biệt. Tôi hét lên bằng tiếng Nga: “Phát hiện rìu tay rồi”, các đồng nghiệp Nga lao đến. Tiến sĩ A.Tsybankov chỉ nhìn thấy phần lộ ra đã quỳ xuống bới rộng đất xung quanh, những người khác như A.Kandyba, Phan Thanh Toàn cũng cúi đầu vào công cụ đá dần xuất lộ. Khi A.Tsybankov bới hết đất, cầm rìu giơ lên, anh cũng hô lớn: Rìu tay, rìu tay. Tất cả chúng tôi ôm nhau sung sướng. Các phóng viên VTV đã quay được thước phim này, một phát hiện đi vào lịch sử. Một chiếc rìu tay tuyệt đẹp đã được phát hiện như vậy”.

PGS-TS Nguyễn Khắc Sử kể thêm: A.Tsybankov nối điện thoại với Viện sĩ A.P.Derevianko-Viện trưởng Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) thông báo phát hiện này, đồng thời gửi cho ông hình ảnh chiếc rìu tay. Ở đầu dây bên kia, Viện sĩ cũng reo lên, chúc mừng phát hiện mới. Ông đến hiện trường ngay sáng hôm sau.

Bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Kalium-Argon (40K/40Ar) tại phòng thí nghiệm đồng vị địa hóa học và địa thời học IGEM RAN Viện Hàn lâm Khoa học Nga, các nhà khoa học xác định niên đại tuyệt đối của kỹ nghệ An Khê là 80 vạn năm cách ngày nay. Đồng thời, xác định chủ nhân những chiếc rìu tay và công cụ mũi nhọn An Khê là những người đứng thẳng (Homo erectus), tiền thân của người hiện đại (Homo sapiens).

Dưới sự cố vấn, giúp đỡ của các nhà khoa học, hồ sơ khoa học về sưu tập công cụ Đá cũ An Khê do Bảo tàng tỉnh thực hiện đã chức năng hóa giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt ở Việt Nam và quốc tế của từng công cụ trong sưu tập. Trong đó, rìu tay là công cụ đa chức năng, được dự đoán dùng chặt cây, xẻ thịt thú rừng, nạo da thú, đào đất tìm củ, tìm con mồi. Mũi nhọn là công cụ lao động của cư dân sơ kỳ Đá cũ An Khê có kích thước lớn, nặng và có một đầu nhọn lý tưởng. Đầu nhọn này có thể sử dụng bằng những cú đâm cực mạnh mới tạo ra các lỗ thủng, liên tiếp xuyên qua lớp da dày động vật như trâu bò rừng, hươu, nai, voi… Thực nghiệm cho thấy, mũi nhọn tam diện là công cụ hữu dụng để giết mổ động vật lớn, có bộ da dày. Ngoài ra, mũi nhọn còn có thể dùng đào đất tìm củ, tìm con mồi.

Xét trên phương diện khảo cổ học và mỹ thuật học, những công cụ này đều được cư dân thời đại Đá cũ dồn hết tâm sức chế tác với kỹ thuật cao, tạo ra công cụ có hình dáng cân xứng, thể hiện trình độ tư duy, thẩm mỹ cao của con người cách đây 80 vạn năm. Các chuyên gia Đá cũ trên thế giới tham dự hội thảo quốc tế “Kỹ nghệ Đá cũ An Khê trong bối cảnh kỹ nghệ ghè 2 mặt châu Á” vào tháng 3-2019 tại Gia Lai đều thừa nhận, đây là công cụ độc đáo, tiêu biểu cho kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ. Những công cụ đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật ghè 2 mặt, một cách tân lớn trong kỹ nghệ chế tác công cụ đá, đồng thời thể hiện năng lực thích ứng thông minh của con người ở đây với môi trường giàu tre nứa như Việt Nam.

Các hiện vật thuộc sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê hiện được trưng bày tại phòng “Địa lý-tự nhiên và lịch sử Gia Lai trước năm 1945” (Bảo tàng tỉnh). Các hiện vật trưng bày trong khung kính, phía trên là hình ảnh các nhà khoa học bên hố khai quật ngoài thực địa, hình ảnh hội thảo quốc tế tại Gia Lai, sơ đồ phân bổ các di tích khảo cổ, hình ảnh mô phỏng 5 bước tiến hóa của loài người từ người vượn phương Nam đến người hiện đại. Dấu tích người cổ tìm thấy tại di chỉ An Khê nằm ở giai đoạn “người đứng thẳng”. Đây là cơ hội để người dân, du khách dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về bức tranh khảo cổ học An Khê.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi năm 2009) xác định: “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”. Trong đó, bảo vật quốc gia “được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”. Ông Hồ Xuân Toản-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng tỉnh) cho biết: “Theo luật là như vậy nhưng hiện chưa quy định cụ thể về việc bảo quản bảo vật theo chế độ đặc biệt như thế nào. Những người làm công tác bảo tàng chỉ ngầm hiểu rằng cần có chế độ riêng như bảo quản trong tủ, có khóa chống trộm, có camera quan sát, có hệ thống cách nhiệt đảm bảo môi trường phù hợp với chất liệu của từng loại bảo vật… Nhưng hiện nay, Bảo tàng tỉnh chưa đáp ứng được hết yêu cầu này. Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện một khu trưng bày riêng, vừa làm nổi bật bảo vật quốc gia vừa thuận tiện trong công tác bảo quản”.

Ông Toản cho biết thêm, từ trước tới nay, Bảo tàng tỉnh chưa tổ chức triển lãm chuyên đề về khảo cổ học Gia Lai mà chỉ là một nội dung lồng ghép trong các chuyên đề về văn hóa, dân tộc học. Với việc sưu tập công cụ Đá cũ An Khê vừa được công nhận là bảo vật quốc gia gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá cho thấy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nổi bật của khảo cổ học Gia Lai trên bản đồ khảo cổ Việt Nam và quốc tế. “Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch xây dựng nội dung tổ chức những triển lãm chuyên đề về khảo cổ học tại các địa phương, trường học trong tỉnh. Qua đó, giới thiệu toàn cảnh bức tranh khảo cổ học ở Gia Lai từ thời sơ kỳ, trung kỳ, đá mới cho tới thời kỳ kim khí. Đây cũng chính là sức hấp dẫn của khảo cổ học Gia Lai khi các di chỉ phát hiện trong những năm qua tại các địa phương đều đại diện cho các thời kỳ, xuyên suốt tiến trình lịch sử tiến hóa của loài người”-ông Toản thông tin.

Có thể bạn quan tâm