Kinh tế

Đức Long Gia Lai vươn ra biển lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được đánh giá là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, Đức Long Gia Lai không chỉ ghi dấu ấn với những công trình đầu tư quy mô lớn ở Tây Nguyên mà còn là một thương hiệu uy tín được thế giới biết đến.

 Bến xe Đức Long Gia Lai.
Bến xe Đức Long Gia Lai.

Ấn tượng đầu tiên khi nhắc đến Đức Long Gia Lai là hàng loạt công trình bến xe tư nhân, đặc biệt là công trình Bến xe Đức Long. Đây là bến xe tư nhân đầu tiên lớn nhất nước với mô hình bến xe liên tỉnh đạt chuẩn quốc tế với các tiêu chí: Hiện đại-Văn minh-An toàn. Hệ thống công trình Bến xe Đức Long Gia Lai được xây dựng khép kín, bao gồm nhà điều hành, phòng vé, phòng chờ, khu nhà vệ sinh, nhà nghỉ cho khách và tài xế, trong đó bãi đậu xe rộng rãi, đạt tiêu chuẩn cao có sức chứa khoảng 1.500 xe.

Đánh giá về Bến xe Đức Long Gia Lai, ông Đỗ Chiến Đấu-một nhà quản lý hoạt động lâu năm trong ngành Vận tải tỉnh Gia Lai cho rằng: Bến xe xã hội hóa Đức Long Gia Lai đã mang đến diện mạo mới cho hoạt động giao thông-vận tải tỉnh nhà, vừa khang trang, hiện đại, vừa an toàn, văn minh. Và ý nghĩa thiết thực nhất đó là việc giảm thiểu các vấn đề tiêu cực về an ninh trật tự, tình trạng chèo kéo, “cò” khách hay các vấn nạn về “xe dù bến cóc”. Bến xe Đức Long Gia Lai góp phần lớn làm thay đổi và hiện đại hóa ngành Vận tải Gia Lai cũng như mang lại vẻ đẹp mỹ quan cho đô thị Pleiku. Có thể nói, sự thành công của mô hình bến xe tư nhân Đức Long Gia Lai đã mở đầu cho phong trào xã hội hóa bến xe, nhiều bến xe tư nhân mang thương hiệu Đức Long ra đời, như Bến xe Đức Long Bảo Lộc (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng); Bến xe Đức Long Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng). Mặc dù chặng đường xã hội hóa bến xe không mấy dễ dàng, song những gì Đức Long Gia Lai làm được đã đẩy mạnh phong trào xã hội hóa bến xe trong cả nước.

 

Trạm thu phí BOT Đức Long Gia Lai.
Trạm thu phí BOT Đức Long Gia Lai.

Không dừng ở lĩnh vực đầu tư xây dựng bến xe, Đức Long Gia Lai tiếp tục tạo dấu ấn ở Tây Nguyên khi được chọn là nhà đầu tư và thi công một số đoạn trọng yếu trên tuyến đường huyết mạch thuộc quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên). Với 3 dự án BOT trọng yếu ở Gia Lai, Đak Nông và Bình Phước, Đức Long Gia Lai gần như làm thay đổi bộ mặt các tỉnh Tây Nguyên, tạo nên những cung đường tuyệt đẹp, tựa những dải lụa dài nối liền các tỉnh miền Trung và Nam bộ với Tây Nguyên.

Cùng với đó, Đức Long Gia Lai còn được nhắc đến như một tập đoàn hùng mạnh ở Tây Nguyên với những dự án bất động sản, tòa nhà cao tầng như Khách sạn Đức Long 2 với chiều cao 22 tầng là một trong những tòa nhà cao nhất Tây Nguyên hiện nay. Các dự án trồng cao su, hệ thống nhà máy chế biến gỗ, khai thác khoáng sản… góp phần không nhỏ làm nên sự trù phú, giàu mạnh của Tây Nguyên.

Đến hội nhập thế giới

Những năm gần đây, khi nói đến Đức Long Gia Lai, nhiều chuyên gia nhận định tập đoàn này như con rồng Tây Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường vươn ra biển lớn, hòa mình chung vào guồng máy kinh tế của thế giới giai đoạn hội nhập. Điểm đột phá giúp Đức Long Gia Lai thực sự bứt phá trên thương trường chính là chiến lược tái cấu trúc với 4 lĩnh vực trọng tâm: nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và bất động sản. Chiến lược đúng đắn này là bệ phóng giúp Tập đoàn Đức Long Gia Lai vươn lên gặt hái nhiều thành công trên thương trường quốc tế, nhất là việc mở rộng quy mô, nâng cao thương hiệu, đặc biệt là sự gia tăng năng lực tài chính.

 

Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở nước ngoài.
Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở nước ngoài.

Nổi bật nhất là việc đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Đây chính là lĩnh vực then chốt giúp Đức Long Gia Lai đặt chân vào thị trường nước ngoài, trở thành thương hiệu có tiếng vang trên thị trường thế giới với các công ty, nhà máy đặt tại TP. Đông Quản và TP. Thẩm Quyến (Trung Quốc), Hồng Kông, Hàn Quốc và Mỹ. Sản phẩm chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu và các thị trường lớn trên thế giới. Thông qua đó, Tập đoàn Đức Long Gia Lai chính thức trở thành đối tác chiến lược, cung cấp sản phẩm linh kiện cho các đối tác lớn tại thị trường Mỹ (Canon, Azad international, Whirlpool, Honeywell), Hàn Quốc (LG, Huyndai), Nhật Bản (Sony, Panasonic). Không dừng lại ở đó, Tập đoàn hiện đang tiến hành đàm phán, hoàn thiện các thủ tục nhằm mục tiêu mở rộng hoạt động điện tử sang thị trường Mỹ thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập công ty. Với những thành công trên, Đức Long Gia Lai định hướng trở thành một tập đoàn lớn mạnh ở lĩnh vực ngành hàng điện tử trên thị trường thế giới.
 

Ông Bùi Pháp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai khẳng định: “Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Đức Long Gia Lai vẫn luôn vững vàng, từng bước khẳng định năng lực, thương hiệu của mình không chỉ trên thương trường trong nước mà vươn mình ra một số khu vực trên thế giới. Với phương châm “Đức Long-Đi là đến”, tôi khẳng định, Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ không ngừng phát triển hơn nữa, từng bước chiếm lĩnh những thị trường khó tính nhất trong khu vực và trên thế giới”.

Nông nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược tái cấu trúc. Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai chủ trương phát triển nông nghiệp đa sản phẩm từ trồng trọt đến chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi là nhánh phát triển chủ lực với hoạt động chăn nuôi bò giống và bò thịt. Hiện Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã xây dựng hệ thống các trang trại với quy mô đàn bò lên đến 5.000 con. Mục tiêu từ nay đến năm 2020, Tập đoàn sẽ phát triển đàn bò với quy mô 30.000 con bò thịt, 10.000 con bò giống.

Ở lĩnh vực bất động sản, với tiềm lực tài chính vững mạnh và ổn định cùng kinh nghiệm, thành công trong ngành xây dựng bất động sản tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiếp tục đầu tư, phát triển lĩnh vực bất động sản tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Mở đầu là 5 dự án bất động sản dành cho phân khúc trung bình khá với 4.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Hiện tại đã có 3 dự án khởi công với 2.500 căn hộ, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. 2 dự án còn lại đang tiến hành hoàn thiện thủ tục pháp lý và sẽ tiến hành khởi công vào năm 2017. Với phương châm “Chất lượng-Tiến độ-Thỏa mãn người mua nhà”, các dự án bất động sản của Tập đoàn luôn được giới chuyên môn cũng như người tiêu dùng đánh giá tích cực, thanh khoản các dự án đều đạt mức cao.

Song song với đó, Đức Long Gia Lai khá chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch. Hiện Tập đoàn đang đầu tư một số dự án thủy điện như: thủy điện Đak Pô Cô (Kon Tum); thủy điện Tân Thương (Lâm Đồng) và các thủy điện Đak RLâp 1, 2 , 3 tại một số tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, để bắt kịp xu thế phát triển, Tập đoàn Đức Long Gia Lai còn tiến hành khảo sát, đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời với mô hình thí điểm tại các tỉnh miền Trung, dự án đầu tiên đặt tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhằm mục tiêu đáp ứng tối đa nhu cầu điện năng đang rất thiếu hụt tại khu vực này. Đặc biệt, nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm từ 5 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 14 cũng chính là tiềm lực tài chính dồi dào của Tập đoàn, góp phần thúc đẩy Tập đoàn tiếp tục tham gia đấu thầu nhiều dự án lớn thuộc các tuyến quốc lộ trọng yếu trong cả nước.

Lan Tiên

Có thể bạn quan tâm