Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Dũng cảm trong thời chiến, gương mẫu dưới thời bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính Cụ Hồ định cư trên mảnh đất Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của địa phương, là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo.

Không cam chịu đói nghèo

Sinh ra và lớn lên tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, năm 1965, ông Lê Tấn Hải tham gia hoạt động cách mạng và được tổ chức bố trí vào tổ vũ trang ở TP. Đà Nẵng. Sau nhiều lần rải truyền đơn, lo sợ bị địch phát hiện, tổ chức điều ông ra chiến khu, trực tiếp tham gia chiến đấu. Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trên đường vận chuyển vũ khí, ông bị trúng mảnh bom của địch làm thủng màng nhĩ bên tai phải. Năm 1969, ông được chuyển sang công tác khác cho đến ngày giải phóng. Tháng 8-1975, ông được cử đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc 4. Sau đó, ông về nhận công tác tại Ban Cải tạo nông nghiệp, định canh định cư kinh tế mới huyện Ayun Pa (nay là thị xã Ayun Pa).

Sau một thời gian công tác, năm 1992, ông Lê Tấn Hải nghỉ hưu, cư trú tại tổ 3, phường Đoàn Kết. Với đồng lương hưu không đủ trang trải cuộc sống, ông quyết định mở đại lý cung cấp giống, phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng. Những ngày đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn về vốn nhưng ông không nản chí, vừa học vừa làm, rút kinh nghiệm. Từ một cửa hàng nhỏ, đến nay, ông làm chủ đại lý phân bón lớn nhất tại xã Ia Trok, huyện Ia Pa. Ngoài phân bón, ông còn kinh doanh thêm vật liệu xây dựng, thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Ông Lê Tấn Hải (bìa trái) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Ảnh: Nguyên Hương


Năm 1987, ông Quách Văn Ba (quê Hà Giang) lên đường nhập ngũ. Được điều động vào Tây Nguyên truy quét FULRO. Sau khi ra quân, mảnh đất Ayun Pa đã trở thành quê hương thứ 2 của ông. Ông kết hôn với một người phụ nữ Jrai và định cư tại buôn Sar, xã Ia Rbol. Dựng nghiệp từ 2 bàn tay trắng, cuộc sống gia đình khốn khó đủ bề, có lúc hàng xóm phải cho từng chén cơm, từng chiếc áo ủ ấm cho con. Khó khăn là vậy nhưng không làm người người cựu chiến binh (CCB) dân tộc Tày nản chí. Năm 2000, từ nguồn quỹ góp vốn xoay vòng của Hội CCB, ông được vay 2 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi heo. Sau 6 năm, ông đã vươn lên thoát nghèo.

Nắm bắt nhu cầu thị trường và cũng để phục vụ sản xuất, ông vay mượn anh em, đồng đội mua máy xay xát gạo, xe công nông. Năm 2007, ông xây dựng căn nhà sàn rộng hơn 100 m2. “Hiện nay, ngoài canh tác hơn 1 ha mì, 2 sào lúa nước, tôi nuôi 3.000 con vịt, 9 con bò và ao cá rộng 2 ha. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình lãi trên 200 triệu đồng. Riêng đàn heo phát triển lên hơn 100 con. Có thời điểm xuất chuồng thu được hơn 400 triệu đồng. Cầm tiền mà tôi không dám tin vào mắt mình”-ông Ba bộc bạch.

Góp sức xây dựng quê hương

Nhận thấy cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng điều kiện đầu tư còn thiếu thốn, đặc biệt với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ông Hải hỗ trợ người dân giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến khi thu hoạch mới thanh toán. Trong 5 năm (2016-2021), ông đã cho khoảng 100 hộ ứng trước vật tư nông nghiệp với số tiền gần 1 tỷ đồng không tính lãi, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hội viên CCB. Ông thường xuyên mời cán bộ kỹ thuật của các công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật về hướng dẫn người dân cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng cách. Nhờ vậy, năng suất cây trồng tăng cao, giúp người dân sản xuất có lãi, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Đại lý của ông cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Vào ngày hội đại đoàn kết các dân tộc hàng năm, ông tặng 80 suất quà (8 triệu đồng/suất) cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại tổ dân phố và nơi mình kinh doanh buôn bán. Ông Hải tâm sự: “Với nhiều người, vài trăm ngàn đồng không đáng là bao nhưng nó ý nghĩa với người nghèo. Giúp người chính là giúp mình, cho đi rồi sẽ nhận lại. Cái mình có được là tình cảm, sự tin tưởng của bà con”.

Từ năm 2004, ông Hải được tín nhiệm bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội CCB tổ 3, phường Đoàn Kết. Ông tích cực vận động gia đình hội viên đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố, xây dựng quỹ Chi hội được 72 triệu đồng, giải quyết cho 12 lượt hội viên vay để đầu tư sản xuất; vận động hội viên là các doanh nghiệp, cơ sở làm ăn hiệu quả góp được 70 triệu đồng, cho vay với lãi suất thấp giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Đến năm 2021, Chi hội không còn CCB nghèo, cận nghèo. Ông cũng bàn bạc cùng hội viên trích 4 triệu đồng lập quỹ khuyến học nhằm khen thưởng, động viên con em hội viên đạt thành tích cao trong học tập. Với những sự nỗ lực của bản thân, ông được chính quyền, các cấp Hội CCB tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Còn với ông Quách Văn Ba luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông tự giác xây dựng các công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; đồng thời, tích cực vận động, tuyên truyền bà con di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, góp phần không nhỏ đưa xã Ia Rbol về đích nông thôn mới năm 2019.

Là hộ có kinh tế khá nhất trong buôn, ông luôn quan tâm, hướng dẫn đồng đội, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Những hộ chăm chỉ làm ăn nhưng khó khăn về vốn ông cho mượn không tính lãi. Ai khó khăn về con giống, ông cho mượn cho đến khi sinh sản. Từng có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, hộ nào có gia súc mắc bệnh đều nhờ ông thăm khám, chữa trị. Ông còn tỉ mỉ hướng dẫn bà con cách chăm sóc nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Nhiều hộ học hỏi theo ông mà vươn lên thoát nghèo, buôn làng ngày càng khởi sắc. Bà con trong buôn ai cũng yêu quý, cảm phục tấm lòng của ông.

 

 NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm