Bộ Y tế đang xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020). Trong đó, bộ đề xuất mọi hình thức quảng cáo rượu, bia đều phải kèm theo cảnh báo về tác hại của đồ uống này.
Cụ thể, nội dung cảnh báo bao gồm: Không được lái xe khi đã uống rượu, bia; người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia; không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; rượu, bia có hại cho thai nhi; phụ nữ mang thai không uống rượu, bia; uống rượu, bia có thể gây xơ gan; uống rượu, bia có thể gây ung thư...Quảng cáo rượu, bia trên truyền hình, phát thanh hoặc các hình thức ghi âm, ghi hình khác phải đọc rõ một trong những nội dung trên với tốc độ đọc như các nội dung khác...
Những đề xuất nói trên là cần thiết song một khoảng trống đã lộ ra, đó là: Khi quảng cáo rượu, bia thì mới cảnh báo tác hại, còn khi không quảng cáo thì cảnh báo cách gì?
Có thể thấy những nội dung cảnh báo đó sẽ làm giảm hiệu quả quảng cáo. Chẳng có hãng thức uống có cồn nào thích điều này. Ngoài ra, nội dung cảnh báo còn khiến tăng thời lượng trên các phương tiện truyền thông, tức là tăng chi phí, sẽ làm cho các nhà sản xuất cân nhắc. Một khi không chọn kênh quảng cáo để tiếp thị sản phẩm, họ sẽ lách bằng cách khác. Chẳng hạn, tài trợ cho những chương trình công cộng hoặc nghệ thuật - thể thao và thực tế đã từng xảy ra: Do Luật Quảng cáo cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên nên có hãng rượu đã "đồng hành" với các đêm hòa nhạc cổ điển, trình diễn thời trang hoặc giải golf doanh nhân.
Do vậy, đã "luật hóa" những nội dung cảnh báo thì phải tính tới mức độ hiệu quả của nó. Nên chăng quy định rõ đưa nội dung cảnh báo lên thẳng nhãn hiệu dán trên vỏ chai. Bằng cách này thì độ lan tỏa mới rộng, trực quan, sẽ làm tăng hiệu quả cảnh báo.
Thuốc lá đã làm được thì rượu, bia cũng làm được. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định trên nhãn mác bao thuốc lá phải có nhãn mác về tác hại thuốc lá và các đơn vị sản xuất đã chấp hành, chiếm khoảng 30% diện tích bao thuốc. Nhưng dù đã truyền thông đến mức như vậy nhưng vẫn chưa "ăn thua", ít có ai biết thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nhau, thế nên mỗi năm tại Việt Nam vẫn có khoảng 45.000 người tử vong có nguyên nhân do hút thuốc lá.
Nhìn ra thế giới, không ít quốc gia cũng gặp vấn đề tương tự. Ví dụ như Hàn Quốc, trước tình hình số người nghiện thuốc lá và tử vong do thuốc lá tăng, Bộ Y tế và Phúc lợi nước này đã sửa đổi Thông tư thi hành Luật Tăng cường sức khỏe người dân, có nội dung tăng diện tích cảnh báo bằng hình ảnh và từ ngữ về tác hại của thuốc lá lên tới 75% bề mặt vỏ bao thuốc lá. Họ làm như vậy là để tăng hiệu quả cảnh báo đối với người dùng.
Từ đó, cho thấy rằng một khi đã đưa ra cảnh báo thì phải làm tới nơi tới chốn, không quy định nửa vời. Dù rằng in thẳng lời cảnh báo lên nhãn rượu, bia có thể đụng chạm đến quyền lợi các nhà sản xuất nhưng sức khỏe người dân và sự bình an của xã hội mới là trên hết.
Cát Tường (NLĐO)