Thời sự - Bình luận

Đừng để nông dân chịu thiệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng nếu Việt Nam tạm dừng xuất khẩu trong thời điểm này, người gánh chịu hệ lụy không ai khác là hàng trăm ngàn nông dân trong cả nước.

 

Cũng theo GS-TS Võ Tòng Xuân, năm 2008, các nước Philippines, Malaysia và Indonesia đều cạn kiệt nguồn lương thực. Khủng hoảng này do Mỹ sử dụng bắp và đậu nành để sản xuất ethanol với sản lượng cực lớn nên làm cho lương thực cả thế giới thiếu hụt. Cho dù sự thiếu hụt này không đến mức quá trầm trọng nhưng do tâm lý nên nhiều nước tính đến chuyện cùng nhau đi mua lương thực tích trữ và làm cho nhu cầu tiêu thụ gạo tăng đột biến trong ngắn hạn. Vào thời điểm này, chính phủ các nước đẩy giá gạo lên cao, khoảng 900 USD/tấn. Lúc đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu gạo để chiếm thị phần so với Thái Lan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cố tình không muốn bán ra mà găm hàng chờ giá cao hơn nữa với hy vọng sẽ được lợi nhuận nhiều hơn.

"Có thể nói chúng ta đã nhường hẳn sân chơi lớn cho Thái Lan vì không lâu sau đó, giá gạo tuột dốc nên việc tiêu thụ cũng khó khăn hơn. Hiện nay, chúng ta đã và đang thu hoạch hơn 1,5 triệu ha lúa với năng suất được đánh giá vào khoảng 6,5 tấn/ha, tương đương khoảng 5,5 triệu tấn gạo. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước trong 2 tháng tới cũng chỉ hơn 1 triệu tấn gạo. Như vậy, chúng ta vẫn còn thừa hơn 4 triệu tấn gạo. Hơn nữa, khoảng 2 tháng tới, vùng ĐBSCL lại có thêm vụ thu hoạch mới với sản lượng tương đương như hiện nay" - GS-TS Võ Tòng Xuân phân tích.

Ông Nguyễn Đình Bích - nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng nguồn cung gạo năm nay sẽ không thiếu hụt. Trên toàn cầu, ngoài Thái Lan mất mùa nặng nề thì nhiều nước khác có dấu hiệu gia tăng sản lượng, trong đó có Việt Nam. "Nhu cầu tiêu dùng gạo toàn cầu năm nay sẽ tăng nhưng theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng lúa gạo sản xuất cao hơn nhu cầu tới 9 triệu tấn, tương ứng với 136 ngày tiêu dùng" - ông Bích nói thêm.

Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời), cũng cho rằng không nên hạn chế xuất khẩu gạo trong bối cảnh nông dân trồng lúa năm nay vừa được mùa vừa được giá. "Dù dồn lực phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng không cần các biện pháp hạn chế gây ảnh hưởng đến kinh tế. Xuất khẩu gạo thời điểm này thì nền kinh tế cũng hưởng lợi" - ông Chín kiến nghị.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Intimex - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng liên tục nhiều năm qua, chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu dưới 6 triệu tấn gạo, năm cao điểm xuất khẩu đến 8 triệu tấn và nay Việt Nam mới xuất chưa được 1,3 triệu tấn (tính đến ngày 15-3) thì lượng hàng còn lại trong năm nay sẽ bán đi đâu nếu không xuất khẩu? Hiện nhiều nơi nông dân đã xuống giống vụ hè thu, 3 tháng nữa Việt Nam lại có gạo mới.

Theo nông dân Nguyễn Công Lý (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), giá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng đối với giống Đài Thơm, Nàng Hoa từ 5.200-5.300 đồng/kg, lúa IR 50404 từ 4.800-4.900 đồng/kg, với giá này 1 công (1.000 m2) lãi khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, trong ngày 23-4, khi có thông tin tạm ngưng thông quan xuất khẩu gạo, thương lái đã dè dặt hơn khi đặt cọc vụ lúa hè thu.

Theo Thốt Nốt - Ca linh - Hoài Dương - Ngọc Ánh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm