Thời sự - Bình luận

Đừng quên giá trị cốt lõi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần đây, nhiều địa phương hợp tác với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để tổ chức livestream bán các sản phẩm đặc sản, bao gồm các loại nông sản.

Nỗ lực livestream bán hàng đã tạo ra hiệu ứng tăng sức tiêu thụ những sản phẩm như vậy. Điều này cũng thể hiện sự nhanh nhạy để khai thác các xu hướng kinh doanh mới, góp phần bổ sung thêm một kênh tiêu thụ sản phẩm hữu hiệu.

Tuy nhiên, đừng vì những hiệu ứng tích cực ban đầu của những phiên livestream "chốt đơn liên tục" mà xem đây là "cây đũa thần" để đặc sản các vùng miền VN vươn cao bay xa. Nếu chỉ chăm chăm đua nhau livestream để tạo ra thành tích đột biến, thì không khéo sẽ sa đà. Bởi xét cho cùng, livestream chỉ là một trong nhiều kênh phân phối sản phẩm bao gồm cả truyền thống lẫn hiện đại.

Thực tế suốt nhiều năm qua, không kênh mới nào có đủ khả năng thay thế toàn bộ hệ thống phân phối. Đối với các sản phẩm có đối tượng khách hàng là số đông, phổ thông thì có một nguyên tắc kinh doanh là đừng bao giờ chỉ lệ thuộc vào một vài kênh phân phối. Hơn thế nữa, để sản phẩm phát triển bền vững, có doanh số cao trong thời gian lâu dài thì hệ thống kênh phân phối chỉ là một trong nhiều yếu tố. Trong đó, chất lượng, giá trị sản phẩm - bao hàm giá trị thương hiệu - đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Nhìn lại đặc sản của các vùng miền VN thì hầu hết đã xuất hiện rộng rãi trong nhiều kênh bán hàng như chợ, siêu thị cho đến các sàn thương mại điện tử. Nên về bản chất thì không thiếu kênh phân phối. Song, vấn đề quan trọng tồn tại bao lâu nay là chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Đặc biệt là việc đảm bảo, duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao. Đây cũng chính là những thách thức lớn mà đặc sản VN cần vượt qua, ngay cả trong giai đoạn hàng hóa chúng ta có nhiều cơ hội hơn để vươn ra thị trường thế giới.

Suốt nhiều năm qua, chúng ta đã thực hiện không ít chương trình nâng tầm giá trị, phát triển thương hiệu đặc sản, bao gồm cả nông sản, nhưng kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Đó là chưa kể việc những giá trị tạo dựng được thì thiếu bền vững do buông lỏng kiểm soát, quản lý. Điển hình như đến Đà Lạt thì vẫn mua trúng dâu của xứ khác "núp bóng" thương hiệu dâu địa phương. Hay tiêu chuẩn rau VietGAP thì cũng từng bị pha trộn. Cứ thế, rất nhiều đặc sản đánh mất niềm tin của khách hàng ngay cả tại thị trường nội địa.

Rồi xa hơn là xây dựng và quảng bá thương hiệu đặc sản VN trên thị trường quốc tế, mà câu chuyện nước mắm Phú Quốc chính là bài học đau đớn khi người tiêu dùng nhiều nước chọn nước mắm Phú Quốc "made in Thailand", hay thậm chí từng suýt bị mất thương hiệu vào tay doanh nghiệp nước khác ở thị trường quốc tế.

Vì thế, chất lượng, thương hiệu uy tín mới chính là giá trị cốt lõi, bền vững mà đặc sản VN cần theo đuổi lâu dài. Khai thác các xu thế phân phối mới là tốt, nhưng đừng quá sa đà vào đó để rồi sai lầm trong chiến lược phát triển.

Theo Ngô Minh Trí (TNO)

Có thể bạn quan tâm