Multimedia

Emagazine

E-magazine Duy trì sĩ số học sinh: Bắt đầu từ cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

Năm học 2020-2021 đã diễn ra gần 2 tháng. Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động học sinh ra lớp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 
 

Năm học 2020-2021, Trường THCS xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) có 395 học sinh với 18 lớp. Ngoài cơ sở chính, nhà trường còn 2 điểm lẻ tại làng Dip và Douch 1; mỗi điểm trường có học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 theo học với sĩ số dao động từ 18 đến 47 em. Trong đó, lớp 7 tại điểm trường làng Dip chỉ có 9 học sinh. Để thuận lợi cho việc học tập, nhà trường phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động 9 em này ra điểm trường chính. Tuy nhiên, vì khoảng cách từ làng đến điểm trường chính tới 14 km nên nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình thay đổi chỗ học.

Ông Rơ Châm Dem: “Đường thì xa mà nhà mình lại không ai đưa đón cháu đi học được. Hơn nữa, cháu mình còn nhỏ, đi ra nơi lạ mình sợ không an toàn nên để nó ở nhà thôi”.

 

Nguyên nhân chính là do khoảng cách xa, đường đi thường là đồi dốc; đời sống người dân, nhất là ở làng tái định cư còn gặp nhiều khó khăn… Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã dành riêng 2 phòng tập thể làm khu bán trú cho học sinh; đồng thời vận động giáo viên trông coi và phối hợp với lực lượng Công an xã để quản lý, đảm bảo an toàn cho các em trong thời gian ở lại trường. Ngoài ra, nhà trường tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền xã đến vận động phụ huynh học sinh ở điểm trường làng Dip đồng ý cho các em ra điểm trường chính học tập.

Tương tự, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cũng có nhiều cách làm hay để duy trì sĩ số học sinh. Theo Hiệu trưởng Lê Công Tấn, thời điểm đầu năm học, nhà trường gặp không ít trở ngại khi có gần 20 học sinh sau kỳ nghỉ hè không muốn quay lại trường học tập, chủ yếu rơi vào các lớp 5, 6 và 8. Đa phần do kinh tế gia đình khó khăn nên các em chọn cách nghỉ học để theo cha mẹ đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống.

 

Qua nắm tình hình, nhà trường đã quyết tâm vận động những học sinh này đi học trở lại. Ban vận động học sinh của trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh và hệ thống chính trị xã, thôn… tích cực đến từng nhà để kêu gọi các em tới lớp. Hàng tuần, nhà trường cũng lập danh sách những học sinh vắng học nhiều, có nguy cơ bỏ học gửi cho địa phương để cùng có kế hoạch can thiệp kịp thời-Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp.

Bên cạnh đó, để học sinh yên tâm đi học và thêm gắn bó với trường lớp, ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp đã triển khai một số giải pháp như: đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng sân bóng đá, bóng chuyền; động viên học sinh tham gia thể thao bằng việc mua giày, bóng hỗ trợ cho các em; tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động biểu diễn văn nghệ, chương trình ngoại khóa bổ ích, thú vị; vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm trao tặng quần áo, xe đạp, sách vở, bò giống cho học sinh khó khăn, mồ côi; duy trì suất cơm trưa cho 62 học sinh lớp 1 để giữ các em ở lại trường; đưa đón học sinh đi học… Nhờ những cách làm hay và sáng tạo này, đến nay, 60% số học sinh nghỉ học ban đầu đã quay lại học tập, góp phần nâng tỷ lệ chuyên cần của học sinh nhà trường lên 98%.

 
 
 

Duy trì sĩ số, nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học. Vì vậy, công tác này được Sở GD-ĐT chỉ đạo các Phòng GD-ĐT và cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện xuyên suốt cả năm học. 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: Huy động và duy trì sĩ số học sinh là 1 trong 3 phong trào thi đua của ngành GD-ĐT tỉnh. Qua 4 năm triển khai, Sở GD-ĐT đã đề ra những nội dung chủ yếu và giải pháp tăng cường công tác huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học một cách linh hoạt; được các cơ sở giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương hưởng ứng. Đến nay, phong trào này đã phát huy hiệu quả, cơ bản giải quyết bài toán khó của ngành GD-ĐT tỉnh nhà. 

 

Cùng với đó, mạng lưới các trường bán trú ngày càng được mở rộng đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn ngừa học sinh bỏ học, đảm bảo duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh nói chung và ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nói riêng. Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT, tỷ lệ huy động học sinh đầu cấp ra lớp đạt khá cao với 99,5% đối với lớp 1 và 97,12% đối với lớp 6.

 
 

Có thể bạn quan tâm