“Báu vật nhân văn” sống
Nghệ nhân Ksor Ôi. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Chân bước lên bậc thềm nhà sàn “dài như một tiếng chiêng” của gia đình nghệ nhân Ksor Ôi (buôn Nông Siu), giọng hát kể của ông vang lên như một lời mời. Tấm lưng của nghệ nhân kể khan lừng lẫy ở vùng đất hạ lưu sông Ba còng xuống với thời gian, mái tóc bạc bay phất phơ trong ánh sáng ngược chiếu qua khung cửa. Có cảm giác như già Ôi vừa bước ra từ một câu chuyện xưa.
Năm ngoái, con cháu đã đốt 1 con bò, 1 con heo để mừng ông bà lên 100 tuổi. Đây là cặp vợ chồng hiếm hoi của buôn Nông Siu sống đến độ tuổi ấy. Nhưng sau đó, bà bỏ ông để về cõi Atâu. Cũng từ đó, lưng ông như còng hơn, giọng hát kể càng trầm đục như tiếng mưa rơi xuống mái tranh nhà sàn. Dẫu vậy, nghệ nhân vẫn say sưa cùng những câu chuyện xưa qua lối kể chuyện đặc trưng, hấp dẫn. Ông thuộc nhiều sử thi đồ sộ, có trí nhớ cùng lối diễn xướng độc đáo mê hoặc người nghe. “Kể khan là kể lại chuyện xưa. Người Jrai thường lý giải những điều họ không nắm bắt được, không hiểu được thông qua những câu chuyện có yếu tố thần thoại. Hồi trẻ, mỗi khi đổi công đi làm rẫy, nhờ kể khan mà mình ít phải lao động tay chân. Mọi người yêu cầu mình vào nhà rẫy kể chuyện xưa trong lúc họ làm việc để cảm thấy đỡ mệt”-già Ôi cho biết.
Bên hiên nhà sàn, già Ôi cất giọng hát kể câu chuyện bi thương về cuộc đời một người phụ nữ Jrai nghèo khó. Vẻ đẹp tâm hồn, tấm lòng lương thiện của bà khiến trời đất động lòng, cử các lực lượng siêu nhiên xuống giúp vượt qua hết kiếp nạn này đến kiếp nạn khác. Cái kết có hậu của câu chuyện phản ánh ước mơ của con người trong hành trình vượt lên sự đói nghèo, nghịch cảnh để vươn tới cái đẹp, cái thiện, diệt trừ cái xấu, cái ác.
Lắng nghe nghệ nhân kể và dịch nghĩa câu chuyện cho chúng tôi, anh Nay Hiệp-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Rmok-cho hay: “Hồi nhỏ, tôi vẫn thường nghe dì kể khan trong những đêm trăng sáng. Nhưng về sau, khi lớn lên, tôi thấy hình thức sinh hoạt này hầu như không còn. Từ khá lâu rồi, tôi mới có cơ hội được nghe một người già kể chuyện xưa, nghe rất cuốn hút, xúc động. Người Jrai thích nghe khan để hiểu về các sự tích, tựa như người Kinh thích nghe truyện cổ. Khác là những nghệ nhân kể khan họ có lối hát kể, diễn giải, sáng tạo riêng khiến cho câu chuyện trở nên sinh động, cuốn hút”.
Còn chị Nay H’Cơ-cháu ngoại nghệ nhân Ksor Ôi thì tâm sự: Lúc nhỏ, sau bữa cơm chiều, cả gia đình thường quây quần để nghe ông ngoại kể khan. Đó là những giây phút hạnh phúc, đầm ấm không thể nào quên trong quãng đời tuổi thơ của chị và những người con, người cháu trong gia đình.
Người kể khan cuối cùng
Hiện nay, số nghệ nhân Bahnar, Jrai biết hát kể sử thi trong toàn tỉnh còn khá ít ỏi, chưa tới 20 người. Và theo thời gian, họ cứ lần lượt về cõi Atâu. Vậy nên, những nghệ nhân như già Ksor Ôi là “báu vật nhân văn” sống hiếm hoi của cộng đồng, của ngành văn hóa. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đúc rút sau nhiều công trình nghiên cứu: “Sống giữa núi rừng hùng vĩ, xa cách với thế giới bên ngoài, sử thi của người Tây Nguyên không chỉ là vốn quý về văn nghệ dân gian, mà còn là một kho tàng lịch sử sống động… Để hiểu về những năm tháng đã qua trên vùng đất Tây Nguyên, người ta không thể không tìm đến sử thi. Điều may mắn là cho đến nay, Gia Lai vẫn còn một số nghệ nhân có thể hát kể sử thi tại cộng đồng”.
Chị Phan Thị Anh Vũ-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, người đã gắn bó với công tác văn hóa ở vùng hạ lưu sông Ba gần 15 năm-cho rằng: Nghệ nhân Ksor Ôi là người kể khan cuối cùng của nơi này. Với trí nhớ siêu phàm, tài năng thiên bẩm, ông thuộc và kể được những sử thi có độ dài ngàn trang. Cùng năng khiếu trời phú, nghệ nhân còn có bề dày tri thức dân gian, vốn sống phong phú nên có thể giải thích tường tận nhiều hiện tượng, sự vật, tập tục, đời sống văn hóa tinh thần của xã hội xưa… khiến những câu chuyện trở nên vừa gần gũi với đời sống, vừa lấp lánh màu sắc thần thoại. Khả năng đó hiện không ai ngoài ông. “Mặc dù vài năm gần đây, người cháu của ông do yêu thích và chịu khó học hỏi cũng thuộc và kể được một vài trích đoạn ngắn, nhưng để có thể hát kể những sử thi dài, làm sống lại những câu chuyện xưa không có ai ngoài nghệ nhân Ksor Ôi”-chị Anh Vũ cho biết.
Nghệ nhân Ksor Ôi chia sẻ, sử thi có ý nghĩa giáo dục con người hướng tới cái đẹp, cái thiện. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Người Jrai ở vùng đất ven sông Ba cho rằng, những người kể khan là do các vị thần phái xuống để phục vụ cộng đồng, không phải ai cũng có được khả năng này, do đó cũng rất khó để trao truyền lại cho thế hệ trẻ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, địa phương đang lập hồ sơ trình lên cấp thẩm quyền xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho ông Ksor Ôi. Khi còn làm công tác văn hóa, chị Anh Vũ ấp ủ kế hoạch ghi âm những câu chuyện xưa qua giọng kể khan rất đặc biệt của nghệ nhân Ksor Ôi để phát trên Đài truyền thanh xã. Hình thức này giúp thế hệ trẻ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của loại hình kể khan, nghe mãi sẽ ngấm vào một cách tự nhiên. Những tư liệu này còn có thể làm tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu sử thi của người Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba. “Đây là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, sự kiên trì và cả tâm huyết của người làm công tác văn hóa. Nhưng họ kham quá nhiều việc, dự định này của tôi chưa thể thực hiện là vì vậy. Tới đây, cùng với việc lập hồ sơ cho nghệ nhân, chúng tôi có kế hoạch khẩn trương thực hiện ghi âm, ghi hình, số hóa tài liệu hình thức kể khan để lưu giữ và phát huy loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo này trong cộng đồng”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rmok chia sẻ.