Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Vũ khúc cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tháng 11, dã quỳ xúng xính váy hoa bung xòe nơi cao nguyên đất đỏ. Dã quỳ như cô gái nhỏ vẫn chung tình thao thiết với cái hẹn nắng lộng, trời xanh.

Tôi luôn mang lòng ngưỡng mộ những bông cúc nhỏ bền bỉ, lâu tàn, rực rỡ và đúng hẹn. Dù là loài cúc nào, họa mi, cúc chi, tana, bất tử, vạn thọ, bách nhật… chúng cũng đại diện cho sức sống mãnh liệt, kiên cường. Ở phẩm chất đó, loài cúc được mệnh danh là 1 trong 4 loài cây mang cốt cách quân tử của người xưa. Dã quỳ vốn thuộc dòng hoa cúc.

1hoa.jpg
Ảnh minh họa: DUY LÊ

Thế nhưng, cúc quỳ xa lạ với sự trang nhã và đài các của tùng-cúc-trúc-mai. Nó gần gũi với sự hoang dã, đúng như tên gọi quen thuộc của nó “dã quỳ”. Tôi nhớ, có truyền thuyết kể rằng, dã quỳ tượng trưng cho mối tình bi thương mà cao đẹp của chàng K’Lang và nàng H’Linh. Nơi họ nằm xuống, đất đã mọc lên loài hoa thắm thiết, sắt son và mãnh liệt này.

Dù theo truyền thuyết hay khảo học, dã quỳ đã được khoác lên sắc màu văn hóa và thời gian, đủ quen thuộc để trở thành biểu tượng của thiên nhiên đại ngàn cao nguyên hùng vĩ.

Dã quỳ, tự thân hai âm tiết đó đã hàm chứa sự hoang sơ, mộc mạc. Chúng hồn nhiên vô tư đua chen mọc, dẫu là bụi rậm bờ hoang. Chúng hồn nhiên vô tư rộ sắc, dẫu là nơi hẻo lánh xa xôi, những cánh hoa mặt trời đã trăm năm mang tên loài hoa dại. Sự hồn nhiên phóng khoáng ấy có gì đó thật gần gũi với vẻ đẹp của người con gái núi rừng. Giữa mênh mông gió, bóng quỳ kiêu hãnh phô sắc, mãnh liệt cuộn từng búi vàng vào ngút ngát chân mây.

Dã quỳ, hoang dại và mãnh liệt trong sức sống và vẻ đẹp riêng, có lẽ bắt đầu từ tình yêu của đất đỏ bazan mỡ màu dành cho cây, cho hoa. Đất ấp iu cho cánh quỳ thắm, lá quỳ xanh, cho sức sống của cây vươn dài trải mình qua bao đồng thung bờ bãi. Còn gì bền chặt hơn tình cây và đất giữa chốn thênh thang đất, gió, nắng, mưa này. Nhưng dã quỳ hoang dại chỉ thực sự phô hết vẻ đẹp khi nó vòng tay ôm trọn núi đồi trong vũ khúc bất tận của tình yêu. Điều đó khiến người yêu dã quỳ chờ ngắm mùa hoa trong niềm hân hoan mỗi đầu đông.

Và khi nắng gió cao nguyên bắt đầu chan hòa vào cái hanh hao chớm lạnh, dã quỳ bung sắc bằng triền dốc, cung đường, bằng trùng điệp đồi thung hay ở bất cứ nơi đâu còn lưu chút hoang dại của cao nguyên đất đỏ. Sức sống phủ lên mênh mông núi đồi bằng màu xanh thẫm dã quỳ, bằng ngợp ngời sắc vàng. Gió gọi, nắng mời, lòng người cũng nhộp nhịp theo sắc hoa.

Dã quỳ, không lâu đã trở thành biểu tượng của loài hoa phố núi, bình dị mà ý nhị gói ghém thứ gì đó thân thương, tha thiết. Nay mai, khi phố xá nhà cửa dựng lên nhiều hơn, tôi vẫn tin đâu đó ven đường, ven bờ, dã quỳ vẫn âm thầm bền bỉ sống, âm thầm và bùng rộ hoa vàng đúng độ đầu đông, để làm dung dị và thơ mộng hơn những cung đường ngõ hẻm dốc phố cao nguyên. Và xa xa vùng ngoại ô, dã quỳ rực rỡ bung nở những triền hoa làm đắm say người mong đợi.

Sức sống của dã quỳ, dù thời gian có thu hẹp không gian sống, dù phận hoa hoang dã, bé mọn mượn sắc vóc của triền đồi để tạo nên vẻ rực rỡ, chắc chắn sẽ bền bỉ, sẽ còn lưu sắc trong ánh mắt mỗi mùa sang. Ấn tượng như một bức tranh quen thuộc của người Tây Nguyên: một con đường mòn đất đỏ, hai bên dã quỳ vàng chen lối và trời cao trong vắt xanh. Đó có lẽ là bức tranh sơn dầu đẹp nhất của thiên nhiên phố núi, là vũ khúc đáng mong chờ của mùa đông trên cao nguyên xanh.

Có thể bạn quan tâm