Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Thương hoài bếp lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ở quê, mẹ tôi vẫn dùng bếp củi. Mỗi lần về quê, tôi rất thích ngồi bên bếp lửa ấy, thi thoảng lại dụi đầu vào vai mẹ. Ngọn lửa tí tách reo vui gọi về trong tôi biết bao kỷ niệm ấu thơ.

Ngày trước, gian bếp ấy chỉ là một cái chái nhỏ với mái tranh vách đất. Bếp là cái kiềng sắt ba chân vững chãi cùng ngọn lửa hồng với biết bao món ngon từ đôi bàn tay đảm đang, khéo léo của mẹ. Nhớ quá nồi cơm sôi lụp bụp, mẹ chắt lấy muôi nước cơm trắng ngà như sữa, rồi pha thêm chút đường cho chị em tôi uống.

Khi than hồng, mẹ lại nướng chiếc bánh tráng giòn rụm, mép bánh bị cháy sém mà tôi không nỡ vứt vì tiếc. Có khi là củ khoai lang vùi trong bếp, thêm đậu phộng rang giòn, ăn hoài không chán. Mùa đông dầm dề mưa, quần áo phơi không kịp khô, xung quanh bếp lửa ấy là quần áo của em tôi.

Vẫn nhớ mùi bếp khói ám cả vào quần áo mỗi khi bế em. Nhớ hơn là nụ cười của mẹ khi áp chiếc áo vào má và chợt nhận ra nó đã khô.

1bg-thuong-hoai-bep-lua.jpg
Minh họa: HUYỀN TRANG

Nhớ nhất là những khi mái tranh dột, mưa nhỏ xuống đống tro. Hì hụi mãi thì bếp cũng đỏ lửa. Hôm đó, bữa cơm của gia đình muộn hơn mọi ngày. Có lần, mẹ đi làm về muộn. Hai chị em đói bụng mà ngóng hoài vẫn chưa thấy mẹ đâu. Tôi nhớ lại cách mẹ nhóm bếp, nấu cơm để tự làm cho em ăn. Cũng biết lót lớp rơm xuống trước, chất củi lên sau. Cũng biết vo gạo, rồi lấy lóng tay đo mực nước như có lần mẹ chỉ. Cơm sôi, tôi lóng ngóng để nước trào hất cả chiếc vung xuống tro. Dù hôm đó, cơm bị nhão nhưng tôi vẫn vui vì tự mình biết nấu cơm. Mẹ rất vui khi con gái đã biết lo cho em.

Cứ thế, theo năm tháng, tôi lớn lên bên bếp lửa hồng ấy. Mỗi lần lên đồi nhặt củi, tôi hay đứng tần ngần nhìn mái nhà thân yêu ngay dưới chân đồi. Khi khói len qua mái tranh bay lên, vẽ vào không gian một màu lam nhẹ, lòng tôi thêm ấm áp. Bởi đó là khi dưới nhà mẹ đã nổi lửa.

Mùa đông rét mướt, mỗi lần đi học về muộn, đến cổng nhà mũi đã sực nức mùi trứng bác với lá hành tăm. Một hương vị đặc biệt mà mỗi lần thoảng nghe đâu đó tôi lại mường tượng đến mẹ, đến bếp củi ấm.

Nhưng thú vị nhất là ngày Tết, cái bếp ấy được giao sứ mệnh nấu bánh chưng, bánh tét. Cảnh ngồi thâu đêm nhìn nước trong nồi to sôi ùng ục, mẹ mở nắp ra kiểm tra mực nước khiến làn khói bay ra nghi ngút, đưa cả hương thơm lá dong, lá chuối phảng phất không gian. Suốt mấy ngày, bếp củi luôn đỏ lửa soi tỏ bàn tay mẹ nấu bao món ngon. Có món bánh ong thơm dẻo, có món thịt đông béo ngậy...

Khi cuộc sống gia đình khấm khá, gian bếp của mẹ được xây khang trang hơn. Nhưng chiếc kiềng ba chân đen kịt vẫn được giữ lại. Sáng sáng, mẹ vẫn dậy sớm nấu ấm nước chè xanh để mời bà con trong xóm cùng đến hàn huyên.

Chiều chiều, mẹ lại nấu một nồi cám và rau để nuôi gà. Nước thì có ấm siêu tốc, gà thì chỉ khi nào con cháu về thăm mẹ mới bày biện làm món, trứng gà thì chủ yếu gửi cho con cho cháu, vậy nhưng mẹ vẫn hì hụi nhen nhen, thổi thổi. Thì ra, đó là cái cớ để mẹ nổi lửa mỗi sáng mỗi chiều. Mẹ bảo: “Lửa củi vẫn luôn là linh hồn của căn bếp nên cần phải giữ gìn”.

Có thể bạn quan tâm