Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Những món đồ cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi lần sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, tôi thường tần ngần ngắm nhìn những món đồ cũ. Những đồ vật vốn vô tri, nhưng khi gắn với cuộc sống con người thì chúng trở nên có hồn và có thể gợi lại những câu chuyện, kỷ niệm khó quên.

Ở một số gia đình, có những món đồ được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Mặc dù có thể không còn giá trị sử dụng nữa, nhưng chúng vẫn luôn được giữ gìn và trân quý.

Món đồ ấy có thể chỉ là vật dụng gia đình bình thường như chiếc nồi đồng, chiếc cối đá, chiếc bàn ủi than… Món đồ ấy cũng có thể là di vật của người thân để lại như chiếc mũ, chiếc áo, đôi dép hoặc một đồ dùng nào đó gợi nhớ người đã khuất.

Chúng được giữ gìn cẩn thận, thường được cất giữ ở nơi trang trọng trong nhà để con cháu luôn biết ơn và nhớ đến.

nhung-mon-do-cu.jpg
Những món đồ cũ (ảnh minh họa)

Cũng có món đồ đã được dùng nhiều năm, không còn mới nữa, nhưng vì đã gắn bó với nó trong một khoảng thời gian dài mà người ta không nỡ bỏ đi. Hôm vừa rồi, tôi đọc một câu chuyện ngắn kể về một bà lão có chiếc nồi đã dùng lâu năm. Dù các con các cháu đã mua chiếc nồi mới nhưng bà nhất quyết không bỏ đi chiếc nồi cũ, vẫn dùng nó để nấu những món ăn mình thích.

Cũng giống như bà, tôi luôn ước mình có một không gian phù hợp để có thể lưu giữ được nhiều đồ cũ xưa. Đó là đôi ba chiếc áo, chiếc tất sơ sinh của con, những đồ chơi, quyển truyện tranh từng đọc cho con, cả những thứ đồ của gia đình qua nhiều thời kỳ.

Những thứ đồ ấy gắn liền với các con, với biết bao nhọc nhằn của ông bà, cha mẹ suốt một thời gian dài. Với tôi, những món đồ ấy thực sự là tài sản vô giá, có thể kể về một thời đã qua để con cháu thêm trân trọng và yêu quý những giá trị gia đình.

Để giúp con cháu đời sau hiểu hơn về cuộc sống của thế hệ trước, nhiều người có sở thích sưu tầm đồ cũ. Sau khi sưu tầm, họ tiến hành phân loại và dành một không gian riêng để trưng bày, lưu giữ.

Gần đây, những chiếc xe máy cũ, những chiếc ti vi đen trắng hay những chiếc đài bán dẫn được người ta mua lại với giá cao để tạo thành một bộ sưu tập về cuộc sống hồi thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Đó cũng là một cách trân trọng quá khứ.

Ở quy mô quốc gia và thế giới, việc bảo tồn những di sản có giá trị lịch sử, văn hóa luôn được coi trọng. Những viện bảo tàng, khu di tích giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử nhân loại. Mỗi hiện vật được trưng bày là một câu chuyện mang tính lịch sử của một thời kỳ để du khách có thể tìm hiểu.

Với người Việt Nam chúng ta, di sản của cha ông là thiêng liêng, vô giá, từ những di tích khảo cổ như chiếc bình gốm, chiếc trống đồng, dụng cụ lao động và vũ khí thô sơ từ thời tổ tiên dựng nước đến những di vật của ông cha trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Những đồ vật mang ý nghĩa lịch sử như bức thư gửi về gia đình của người lính, chiếc bi đông nước, chiếc ca, chiếc lược được làm từ mảnh bom sẽ làm ta thêm tự hào về trang sử hào hùng của dân tộc, để rồi biết trân trọng hơn nền hòa bình quý giá hôm nay.

Cuộc sống luôn là sự tiếp nối. Mỗi gia đình, cộng đồng hay rộng hơn nữa là đất nước đều có một quá trình phát triển mà cái mới luôn được kế thừa và phát triển từ những cái cũ. Khi quên đi cái cũ, quên đi quá khứ, mỗi chúng ta sẽ như một cái cây không có gốc.

Giữ gìn những món đồ cũ chứa đựng kỷ niệm của gia đình thể hiện tình cảm và sự trân trọng thế hệ đi trước, là cách để nhắc nhở và giáo dục con cháu. Quý trọng những di sản, di vật mang tính lịch sử của quốc gia là thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, biết ơn các thế hệ cha ông để từ đó biết giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, để các giá trị ấy sống mãi đến muôn đời.

Có thể bạn quan tâm