(GLO)- Những ngày này, các kênh dẫn nước thuộc Dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu vực công trình thủy lợi Ia Mlah đang dần hoàn thành. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải bài toán thiếu nước sản xuất cho cánh đồng các xã Ia Mlah, Đất Bằng, Chư Ngọc, Phú Cần, Chư Gu và thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, Gia Lai).
Đặc biệt, dự án phát triển kết cấu hạ tầng nơi đây còn phát huy được hiệu quả tài nguyên nước của công trình thủy lợi Ia Mlah (dung tích thiết kế trên 54 triệu m3) với tổng diện tích cung cấp nước tưới trong khu vực lên đến 5.150 ha.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ
Sau một thời gian dài chờ vốn, đầu năm 2018, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT (thuộc UBND tỉnh) được Sở Nông nghiệp và PTNT ủy thác làm chủ đầu tư Dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu vực công trình thủy lợi Ia Mlah. Tổng kinh phí triển khai dự án hơn 130 tỷ đồng thuộc nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được dùng để đầu tư xây dựng 43 km kênh mương dẫn nước và 5,5 km đường giao thông bằng bê tông trên địa bàn 3 xã Ia Mlah, Chư Gu, Phú Cần và thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Đến thời điểm này, hơn 60% hạng mục công trình của dự án đã hoàn thành việc xây dựng.
Đến thời điểm này, hơn 60% hạng mục công trình của dự án đã hoàn thành việc xây dựng. Ảnh: M.N |
Quá trưa, dưới cái nắng gay gắt giữa cánh đồng trơ trọi không một bóng cây, đôi bàn tay của anh Ama Lý Niê (xã Ea Phê, huyện Krông Pak, tỉnh Đak Lak) vẫn thoăn thoắt, gấp rút hoàn thành khung cốt sắt sẵn sàng cho mẻ bê tông trước giờ nghỉ. Lau vội những giọt mồ hôi đang chảy túa ra trên mặt, anh Ama Lý Niê cho biết, anh từ Đak Lak sang đây theo làm công trình này đã hơn 3 tháng nay. Cùng một số công nhân khác, anh dựng lán trại giữa cánh đồng xã Chư Gu để làm nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc. Vất vả là vậy nhưng mỗi khi nhìn đoạn kênh hoàn thành, kéo dài đến bất tận ai nấy cũng phấn khởi, mong công trình sớm được đưa vào khai thác, sử dụng.
Cách đó chưa đầy 100 m, rẫy mì của vợ chồng anh Kpuih Cơp (xã Chư Gu) mới trồng cách đây hơn tháng đang lên xanh mơn mởn. Mỗi ngày vợ chồng anh lên rẫy làm cỏ đều ngang qua công trình này, nhìn các tuyến kênh dẫn nước đang dần hoàn thành hiện ra ngay trước mắt, vợ chồng anh rất phấn khởi. Anh Cơp cho biết: Với diện tích hơn 1 ha, trước đây, gia đình anh chỉ canh tác được một vụ mì, thời gian còn lại để đất trống. “Thấy kênh dẫn nước bên cạnh khu rẫy của gia đình sắp làm xong, nhiều người đã đến hỏi thuê đất của chúng tôi để trồng dưa hấu cho dịp Tết. Dự tính, sau vụ mì, vợ chồng tôi sẽ cho người ta thuê đất để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”-anh Cơp nói.
Theo ông Trần Hoàng Hải-Đội trưởng đội thi công-xây lắp (Công ty Xây dựng Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa)-một trong những đơn vị thi công tuyến kênh dẫn nước của công trình thủy lợi Ia Mlah-cho biết: Có đến 5 đội tham gia thi công hệ thống của 57 tuyến kênh dẫn nước, triển khai từ tháng 3-2018 đến nay. Hiện khối lượng công trình của đội thi công do ông đảm nhận đã đạt hơn 70%, dự kiến bàn giao vào cuối tháng 8-2018. “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi đã huy động tối đa nhân lực, trang-thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công. Mỗi ngày, đội chúng tôi hoàn thành từ 25 đến 30 m của đoạn tuyến kênh dài hơn 500 m đã đảm nhận thi công với chủ đầu tư”-ông Hải vui vẻ cho biết.
Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi Ia Mlah
Dự án hoàn thành sẽ phục vụ nước tưới cho 1.614 ha lúa và hoa màu khác, cây trồng cạn, cây công nghiệp. Ảnh: M.N |
Điều kiện thời tiết ở huyện Krông Pa rất khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt kéo dài dẫn đến tình trạng hạn hán ở nhiều cánh đồng. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống kênh nhánh để khai thác và phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mlah sẽ giúp nhiều địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách bền vững. Đồng tình với nhận định này, chị Nguyễn Thị Phượng (khu phố 14, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho rằng: “Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh dẫn sẽ giúp một số khu vực trước đây từng được mệnh danh là “cánh đồng chết” như Chư Gu có nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước đây, người dân không có nguồn nước tưới ổn định, chỉ dựa vào nước trời nên cây trồng không đủ nước kém phát triển, nhất là vào mùa khô, nhiều diện tích cây trồng bị chết hoặc giảm năng suất”.
Theo ông Nguyễn Văn Yên-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT (đơn vị trực thuộc UBND tỉnh): Hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với các nhà thầu gấp rút triển khai thi công xây dựng nhằm đạt tiến độ đề ra, cố gắng hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 31-12-2018. Đến nay đã khởi công xây dựng và hoàn thành trên 60% khối lượng công trình. Cụ thể, các tuyến kênh đã xây dựng hoàn thành trên 26 km/43 km và hơn 3 km/5 km đường giao thông. Tuy nhiên, theo ông Yên, khó khăn hiện nay là một số tuyến kênh không có đường vận chuyển vật liệu vào công trình, chỉ có thể vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công. “Dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho các xã Chư Gu, Ia Mlah, Phú Cần và thị trấn Phú Túc, phục vụ nước tưới cho 1.614 ha lúa và hoa màu khác, cây trồng cạn, cây công nghiệp. Tuy vậy, hợp phần của dự án này chỉ chiếm 40%, còn tổng diện tích tưới của cả công trình lên đến 5.150 ha. Do đó, cần nghiên cứu đầu tư xây dựng nhiều dự án thành phần nữa để phát huy hiệu quả tổng hợp tài nguyên nước của công trình thủy lợi Ia Mlah theo thiết kế 54 triệu m3”-ông Yên thông tin.
Theo ông Yên, điều ông muốn đề cập chính là những đoạn kênh chân rết đến từng thửa ruộng của người dân. Ngoài hệ thống đã đầu tư bằng kênh mương dẫn nước, muốn phát huy hiệu quả công trình thủy lợi này, chính quyền địa phương cần tiếp tục huy động các nguồn lực, sức dân và nguồn vốn khác để đầu tư hệ thống kênh tưới đến từng mặt ruộng. Bởi vì nhiều lý do khách quan, từ khi công trình thủy lợi Ia Mlah hoàn thành đến nay đã hơn 5 năm nhưng các tuyến kênh dẫn nội đồng hiện mới được triển khai thi công và sắp hoàn thành. Do vậy, huyện Krông Pa cần có kế hoạch và định hướng mang tính chiến lược, lâu dài về phát triển nông nghiệp để khai thác hiệu quả nguồn nước từ đại công trình thủy lợi Ia Mlah, từng bước biến ruộng đất khô cằn nơi đây thành những cánh đồng trù phú, giúp người dân thâm canh tăng vụ, từ đó cái đói cái nghèo sẽ từng bước được đẩy lùi.
Minh Nguyễn