Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng so với tháng 12-2022, gồm: Giao thông tăng 1,37%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,66%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng nhẹ ở mức 0,6%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,84%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,36%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,82%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,28%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,29%. Riêng 2 nhóm: Bưu chính viễn thông và Giáo dục vẫn giữ mức bình ổn giá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 đạt 10.000 tỷ đồng (bằng 9,26% kế hoạch, tăng 9,01% so với tháng trước và tăng 62,78% cùng kỳ năm 2022).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của Gia Lai tăng 4,64% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Mộc Trà |
Trước đó, để chuẩn bị hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm trong tháng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các doanh nghiệp, hộ tư thương đã chuẩn bị nguồn hàng hóa với tổng giá trị khoảng 10.800 tỷ đồng (tăng 15,7% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và tăng 20% so với tháng 12-2022). Giá cả thị trường có biến động nhẹ nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; sức mua tăng. Các lực lượng chức năng cũng đã tập trung triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của Nhân dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, cục bộ.