(GLO)- Sau hội nghị trực tuyến về triển khai giảm thiểu chất thải nhựa do Bộ Y tế tổ chức giữa tháng 8-2019, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã có những hoạt động thiết thực nhằm góp phần chung tay giảm thiểu chất thải nhựa.
Ngay sau hội nghị trực tuyến, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức ký cam kết về việc triển khai giảm thiểu chất thải nhựa tại các bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh. Trước đó, ngày 12-8-2019, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế tỉnh đã ký ban hành Công văn số 1175/SYT-KHTC về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Theo đó, các bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị, xem đây là tiêu chí thi đua và khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân.
Ngành Y tế tỉnh và các đơn vị trực thuộc ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa. Ảnh: N.N |
Bác sĩ Trần Quang Chỉ-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ-cho biết: Đơn vị đã phát động phong trào giảm thiểu chất thải nhựa; quán triệt các nhân viên y tế hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt hàng ngày và thay thế bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Tại các cuộc họp, Ban tổ chức không sử dụng các sản phẩm nước đóng chai nhựa dùng một lần mà dùng chai thủy tinh. Bên cạnh đó, nhân viên y tế tích cực tuyên truyền, vận động bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giảm thiểu sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa trong sinh hoạt… Bước đầu, nhận thức của một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã có những thay đổi tích cực.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 bệnh nhân đến khám-chữa bệnh và khoảng 800-900 bệnh nhân điều trị nội trú; lượng rác thải nhựa và chất thải y tế bằng nhựa thải ra hàng ngày rất lớn. Bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện-chia sẻ: “Sau khi ký cam kết với Sở Y tế, chúng tôi triển khai ký cam kết giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa, phòng về giảm thiểu chất thải nhựa; đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ và xem đây là một trong những tiêu chí thi đua khen thưởng cuối năm. Bệnh viện cũng tăng cường tuyên truyền, vận động bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, xây dựng các góc truyền thông về vấn đề này”.
Theo bác sĩ Phạm Bá Mỹ, trong ngành Y tế, chất thải nhựa thường phát sinh từ các hoạt động thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà, người sử dụng dịch vụ y tế như: bao bì, dụng cụ bao gói, chứađđựng thuốc, hóa chất, trang-thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế… “Trước mắt, Bệnh viện vận động thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thay thế bao ni lông đựng thuốc bằng bao giấy; dần thay thế các bao đựng rác bằng ni lông… Việc khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh và các hoạt động chuyên môn khác chuyển sang sử dụng dụng cụ, vật tư, trang-thiết bị, dụng cụ chứa đựng thuốc, hóa chất thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng; tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống”-bác sĩ Mỹ thông tin thêm.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Oanh (Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện) cũng cho hay: “Trước đây, bệnh nhân hay dùng chai nước nhỏ bằng nhựa thì chúng tôi tuyên truyền thay thế bằng chai thủy tinh đảm bảo sức khỏe. Nhiều người hưởng ứng ngay. Còn tại khoa thì không dùng túi ni lông đựng thuốc cho bệnh nhân hàng ngày mà thay thế bằng hộp giấy tận dụng từ Khoa Dược. Nếu không đủ thì lãnh đạo trung tâm đầu tư kinh phí để mua hộp nhựa cao cấp có thể tái sử dụng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa”.
Được nhân viên y tế tuyên truyền giảm thiểu sử dụng túi ni lông, chai nhựa trong sinh hoạt hàng ngày khi chăm nom người thân tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Nhung (tổ 6, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã hưởng ứng ngay. “Mẹ tôi điều trị tại Khoa Lão (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Trước đây, gia đình hay sử dụng túi ni lông để đựng thức ăn cho tiện nhưng qua tuyên truyền, tôi đã không dùng nữa mà chịu khó mang theo cà mèn. Tôi nghĩ đây là hành động nhỏ nhưng nếu nhiều người cùng thực hiện thì sẽ giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe”-chị Nhung vui vẻ cho biết.
NHƯ Ý