(GLO)- Ngoài việc giao đất, giao rừng, hợp đồng giao khoán các làng đồng bào Bahnar tham gia quản lý bảo vệ rừng, xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai) còn phát huy vai trò của các già làng trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng tham gia giữ rừng.
Già làng đi trước, cộng đồng theo sau
Xã Kon Pne có 3 làng đồng bào Bahnar gồm: Kon Hleng, Kon Ktonh và Kon Kring với 386 hộ, gần 1.500 khẩu, nằm lọt thỏm dưới thung lũng, giữa bốn bề rừng núi. Nhiều năm qua, chính quyền xã Kon Pne đã phát huy tốt vai trò của già làng để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với người dân.
Ông A Hiêng (bìa trái) cùng người dân tuần tra khu vực rừng nhận khoán ở xã Kon Pne, huyện Kbang. Ảnh: M.T |
Tuy chỉ mới bước qua tuổi 50 nhưng ông A Hiêng là người có uy tín cao, được bà con mến phục, tin tưởng bầu làm già làng Kon Ktonh từ nhiều năm nay. Đây chính là điều kiện thuận lợi giúp ông vận động dân làng không phá rừng, đốt rừng lấy đất làm rẫy... Làng Kon Ktonh hiện có 167 hộ tham gia nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng. “Trách nhiệm của già làng là họp thông báo về việc nhận khoán bảo vệ rừng, người dân không được phá rừng làm rẫy, ai vi phạm sẽ không được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mà còn bị phạt, phải trồng lại rừng. Những hộ thiếu đất sản xuất thì thông báo qua xã để được xem xét, giải quyết, không tự ý phá rừng”-ông Hiêng cho hay.
Cũng như ông Hiêng, ông A Ngol (làng Kon Hleng) luôn tích cực phối hợp với chính quyền xã góp tiếng nói của mình vận động dân làng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Hàng tháng, ông duy trì tổ chức họp dân để nắm tình hình quản lý, bảo vệ rừng của các tổ nhận khoán, đồng thời nhắc nhở người dân chăm lo làm ăn, không để xảy ra tranh chấp đất gây mất đoàn kết. Đặc biệt, ông luôn nhắc nhở bà con không lấy tiền chi trả DVMTR tiêu xài phung phí mà nên dùng mua thực phẩm phục vụ gia đình, chăm lo cho con cái học hành. “Từ khi tham gia nhận khoán, dân làng Kon Hleng thay đổi nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Dù đất sản xuất của người dân nằm cạnh rừng nhưng không ai chặt một cây rừng, không ai cơi nới, lấn một tấc đất để mở rộng nương rẫy”-ông A Ngol khẳng định.
“Sống khỏe” nhờ giữ rừng
Điểm đặc biệt ở Kon Pne là rừng bao bọc quanh cộng đồng dân cư nhưng nhiều năm trở lại đây, rừng được quản lý, bảo vệ rất tốt. Theo ông Dương Quốc Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã, già làng ở đây phát huy rất tốt vai trò thủ lĩnh trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng. Nhờ có tiếng nói của già làng mà rừng được bảo vệ. Từ chi bộ làng cho đến chính quyền, Mặt trận và đoàn thể của xã đều kết nối với già làng để tuyên truyền các chính sách đến người dân. “Khi muốn triển khai nhiệm vụ gì, chúng tôi cũng trao đổi, thống nhất với già làng để kết hợp phong tục, hương ước của làng với chính sách, bởi già làng có tiếng nói rất quan trọng trong cộng đồng. Già làng gương mẫu đi trước, người dân sẽ theo sau. Nhờ tiếng nói của “thủ lĩnh tinh thần” mà mọi nhiệm vụ của làng, xã đều thực hiện trôi chảy, hoàn thành dễ dàng”-ông Điệp nói.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân xã Kon Pne tham gia nhận khoán quản lý bỏa vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne, tổng diện tích rừng trên địa bàn là 2.761 ha. Trong số này, có 443 ha đã thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho người dân làm chủ, hưởng 600.000 đồng/ha/năm. Ngoài ra, 386 hộ dân của 3 làng nói trên còn nhận khoán 2.318 ha rừng do xã quản lý và nhận tiền DVMTR hàng năm gần 1,4 tỷ đồng. Việc nhận khoán bảo vệ rừng nhiều năm nay mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân với mức gần 10 triệu đồng/hộ/năm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các già làng trong việc vận động người dân đăng ký tham gia trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn (thời gian thu hoạch từ 7 đến 10 năm) nhằm phủ xanh phần diện tích 321 ha đất lâm nghiệp không còn rừng. Đồng thời vận động các hộ dân chuyển đổi 80 ha đất trồng lúa, mì kém hiệu quả ở các triền dốc sang trồng rừng; những nơi có đủ nước thì trồng cây mắc ca; thí điểm mô hình trồng dâu nuôi tằm, nuôi heo đen, trồng cây ăn quả ở các nhà đầm để giúp các hộ dân tăng thu nhập”-ông Điệp cho biết.
Cũng theo ông Điệp, từ khi người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng thì hầu như không còn trường hợp lấn chiếm đất rừng làm rẫy. Tuy nhiên, để ngăn ngừa người dân xâm hại rừng, chính quyền xã cũng triển khai kiểm tra, giám sát chéo. “Đầu tiên là bà con ở các làng thường xuyên kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kế đến là tổ quản lý bảo vệ rừng của xã cũng tổ chức kiểm tra; HĐND và Mặt trận xã thành lập đoàn giám sát theo chuyên đề hàng năm đối với các chủ rừng này từ công tác quản lý bảo vệ cho đến việc sử dụng tiền chi trả DVMTR. Ngoài ra, Đảng ủy xã phân công các Ủy viên Ban Chấp hành sinh hoạt chi bộ với các làng tham gia công tác giám sát quản lý bảo vệ rừng. Nhờ vậy mà nhiều năm nay, không những người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thu nhập ổn định mà diện tích rừng của xã luôn được bảo vệ”-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne khẳng định.
MINH TRIỀU