Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Giá trị thời đại của Tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với Mác, ý nghĩa thời đại của học thuyết cách mạng và khoa học diễn ra trực diện và phù hợp với những nước phát triển chủ nghĩa tư bản. Với Lênin, thời đại tập trung ở ý nghĩa đấu tranh giữa giai cấp công nhân và chủ nghĩa tư bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin ở phương pháp luận biện chứng và nhân sinh quan tất cả vì con người, cho con người và do con người; nhưng tập trung hơn vào lý tưởng giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột và nghèo nàn, lạc hậu. Chính vì vậy, Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với nước ta mà còn mang giá trị thời đại.



Phản ánh khát vọng thời đại

Ngay trong những năm 20 của thế kỷ XX, trong quá trình hình thành, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện khát vọng chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy thế giới là thống nhất, không chỉ gồm các nước tư bản phát triển mà cả nhân loại cần lao đang cần được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, khỏi nghèo nàn, lạc hậu để có cuộc sống thật sự ấm no, hạnh phúc, cuộc sống đúng với ý nghĩa của nó. Những nhận thức sâu sắc và độc đáo về mối quan hệ chặt chẽ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản phản ánh khát vọng độc lập, tự do của các dân tộc trên thế giới trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

Phát hiện quan trọng nữa của Tư tưởng Hồ Chí Minh là đã hình thành một hệ thống luận điểm chính xác và đúng đắn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở những nước chưa phát triển như Việt Nam, không chỉ là đấu tranh giai cấp mà trước hết và trên hết phải tạo ra việc làm cho người lao động, làm sao cho dân giàu, nước mạnh, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Đó là con đường phấn đấu lâu dài, gian khổ, liên tục trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị đến văn hóa và xã hội, y tế và giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được bạn bè quốc tế yêu mến và kính phục (ảnh tư liệu).



Khơi dậy phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc

Đóng góp lớn nhất của Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thời đại là đã chỉ ra con đường cách mạng, tiếp theo đó là phương pháp để thức tỉnh những người bị áp bức ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Ngay từ rất sớm, Người đã nhận thức đúng sự biến chuyển của thời đại, đặt cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa vào phạm trù cách mạng vô sản và hoạt động không mệt mỏi cho phong trào cách mạng thế giới. Trong đó, Người đã chỉ ra khả năng to lớn, vai trò chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa đối với cách mạng vô sản và phong trào cách mạng thế giới nói chung.

 Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam. Từ kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, Người đi đến khẳng định bài học chung của các dân tộc là: “...Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi, trước hết là nông dân và đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong mặt trận thống nhất, với sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới (...), nhân dân nước đó nhất định thắng lợi”. Bằng cách đó, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần khơi dậy các phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc cho các dân tộc thuộc địa và bị áp bức trên toàn thế giới. Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người là tấm gương sáng cổ vũ các dân tộc trên thế giới tham gia cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội. Chính vì vậy mà năm 1987, chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Bác là Anh hùng Giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.

Sự nghiệp đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước ta thực hiện theo Tư tưởng Hồ Chí Minh đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cổ vũ cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Từ rất lâu, nhân loại tiến bộ trên thế giới, nhất là những trí thức lớn, những chính khách giàu lòng bác ái đã từng ca ngợi và bày tỏ sự khâm phục tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác. Giá trị nhân văn và phát triển của tư tưởng của Người là cơ sở để Đảng ta xây dựng chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại... nhằm xây dựng một nước Việt Nam phát triển, hướng tới con người, do con người và vì con người.

 

 Tiến sĩ NGUYỄN THÁI BÌNH

Có thể bạn quan tâm