Thời sự - Bình luận

Giải bài toán nguồn nhân lực nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam đang lên kế hoạch phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới đồng thời với mở cửa kinh tế theo hướng “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, và an toàn tới đâu mở cửa tới đó.

 

 Vườn trồng lan cấy mô tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Vườn trồng lan cấy mô tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.


Đối với lĩnh vực nông nghiệp, các tỉnh, thành phố phía nam là khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy, trang trại, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm... sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hoặc tạm dừng hoạt động do có F0, hoặc thực hiện sản xuất “ba tại chỗ” với 30 - 40% công suất thì nay cũng đang chuẩn bị quay trở lại sản xuất quy mô lớn.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp là làm thế nào để bảo đảm đủ lực lượng lao động phục vụ 100% công suất hoạt động của nhà máy. Thực tế, ngoài lực lượng lao động tạm nghỉ việc do nhà máy giảm công suất thì có một số lao động đã chủ động nghỉ việc hẳn sau khi doanh nghiệp “đóng cửa” do có F0. Riêng trong ngành thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua đã có 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy phải nghỉ việc do thu hẹp sản xuất, nên việc gọi trở lại đủ là không hề dễ dàng.

Chưa kể, những công nhân hiện đang làm việc theo mô hình “ba tại chỗ”, sau vài ba tháng không được về nhà cũng ảnh hưởng tâm lý và không muốn tiếp tục. Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía nam thì một lượng lao động không nhỏ đã rời thành phố, đô thị để trở về quê. Dù chưa có thống kê chính xác bao nhiêu người trong số họ sẽ trở lại thành phố nhưng chắc chắn một điều là nhiều người sẽ thay đổi mục tiêu cuộc đời, chọn ở lại quê nhà để mưu sinh.

Chính vì vậy, việc khôi phục sản xuất và kinh doanh sau dịch của các doanh nghiệp, nhà máy sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu hụt lao động, nhất là những công nhân quen việc, có tay nghề. Do đó, để phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến nguồn lao động, lên kế hoạch rà soát, tuyển mới song song với công tác đào tạo để bảo đảm công suất hoạt động. Đây cũng là vấn đề mà doanh nghiệp, nhà máy cần được hỗ trợ từ các địa phương và cơ quan chức năng.

Cụ thể, các địa phương trong vùng cần có sự thống nhất về công tác phòng, chống dịch; trong nội bộ tỉnh cũng thống nhất các quy định từ cấp tỉnh đến huyện, xã, ấp... Tránh tình trạng đưa ra nhiều quy định bất cập, khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được, để người lao động có thể chủ động các biện pháp phòng dịch, bảo đảm việc đi lại, vận chuyển, thuận lợi cho triển khai các hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, có cơ chế ưu tiên và đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine cho lực lượng lao động tham gia thu hoạch, thu mua, chế biến nông, thủy sản; đồng thời có quy định rõ ràng về việc lao động đã tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 thì được đi lại, tham gia sản xuất như thế nào. Từ đó tạo ra sự an tâm cho người lao động, tăng sự gắn bó với doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào phục hồi và tiến tới tăng năng suất, sản lượng, chất lượng các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Theo TIẾN ANH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm