Multimedia

Emagazine

Giải ngân vốn đầu tư công: Nhiều giải pháp gỡ vướng

E-magazine Giải ngân vốn đầu tư công: Nhiều giải pháp gỡ vướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

Ngoài việc ban hành văn bản chỉ đạo và thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh Gia Lai còn yêu cầu các cấp, các ngành, chủ đầu tư tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn theo kế hoạch đề ra.

 
 

Đối với chủ đầu tư là các sở, ban, ngành của tỉnh, tỷ lệ giải ngân chung là 16,6%, chủ yếu là giá trị ứng cho các nhà thầu, khối lượng thực hiện rất ít: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (tỷ lệ giải ngân 10,5%); Sở Nông nghiệp và PTNT (15,3%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (16,2%); Sở Khoa học và Công nghệ (1,6%). Đáng chú ý, tại nhiều đơn vị, khối lượng thực hiện lẫn giải ngân đều ở mức 0% như: các ban quản lý rừng phòng hộ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Thông tin và Truyền thông; Chi cục Kiểm lâm...

Trong số chủ đầu tư là các sở, ban, ngành của tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao kế hoạch vốn rất lớn với hơn 1.143 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 trên 1.066 tỷ đồng và của năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là hơn 77,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối lượng thực hiện đến thời điểm này chỉ mới gần 214 tỷ đồng, đạt 18,7%; giải ngân được 184,3 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 16,11%; dự ước giải ngân đến 30-9 cũng chỉ ở mức 27,2%.

 

Ông Đặng Thái Huy-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh-cho hay: Ngoài các dự án sử dụng vốn phân cấp cho địa phương đầu tư, huyện đang triển khai 2 dự án từ nguồn ngân sách tỉnh. Đó là dự án đường giao thông huyện Chư Păh (đường Lê Lợi, thị trấn Phú Hòa) với chiều dài 3 km, có vốn đầu tư 90 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024. Năm 2022, kế hoạch giải ngân vốn là 10 tỷ đồng. Hiện khối lượng thực hiện được 3 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất không thu được như kế hoạch nên tỉnh chưa cấp về cho huyện. Dự án đường liên xã huyện Chư Păh (chiều dài hơn 32 km) có vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Dự án đã lập xong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và huyện đang hoàn tất thủ tục để trình thẩm định, phê duyệt triển khai. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng đột biến kéo theo giá vật liệu, nhân công cũng tăng khiến tổng mức đầu tư của dự án vượt so với mức đã phê duyệt, buộc phải điều chỉnh. 

 
 

Ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku-cho biết: Tổng các nguồn vốn bố trí thực hiện các dự án trên địa bàn hơn 516 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng thực hiện của tổng các nguồn vốn được giao hơn 136 tỷ đồng, đạt 26,39% so với kế hoạch, giá trị giải ngân vốn đạt 35,5%.

 

Theo ông Nghĩa, việc giải ngân vốn chậm một phần là do giá nhiên liệu, vật liệu tăng cao gây khó khăn rất lớn cho các nhà thầu, đơn vị tham gia dự án đã ký hợp đồng theo hình thức đơn giá cố định, khởi công vào các năm 2020, 2021. Một số dự án đang lập thiết kế dự toán, dự kiến khởi công mới năm 2022 vượt tổng mức đầu tư được duyệt, công tác giải phóng mặt bằng chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đơn cử, Dự án đường Nguyễn Văn Linh, giá trị giải ngân là 753 triệu đồng so với kế hoạch vốn hơn 51 tỷ đồng. Dự án đã thiết kế xong nhưng dự toán vượt tổng mức đầu tư do trượt giá phải xin ý kiến tỉnh cho chủ trương điều chỉnh. 

 

Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: Trong những tháng cuối năm 2022, Sở Tài chính tìm nguồn vốn ứng trước để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các công trình sử dụng nguồn sử dụng đất. Các sở, ngành khác tích cực triển khai kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, phối hợp với các đơn vị làm chủ dự án đề ra giải pháp cụ thể để thực hiện; báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho từng dự án. Các chủ đầu tư và ban quản lý dự án cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng công trình, dự án; trong đó nêu rõ mốc thời gian hoàn thành từng công đoạn từ khi lập chủ trương đầu tư đến khi thanh quyết toán; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chậm nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành.

 

Cùng với đó, chủ đầu tư là các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vị trí còn vướng mắc, đảm bảo có mặt bằng sạch để triển khai khởi công ngay sau khi lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng thi công xây lắp. “Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Sở Tài chính và các chủ đầu tư rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm vốn đối với các dự án triển khai chậm, đồng thời bổ sung phần vốn cho các dự án hoàn thành cao, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

 

Có thể bạn quan tâm