Dũng "trọc", Khá "Bảnh", Phú "Lê", Huấn "Hoa Hồng", Đường "Nhuệ", Phúc "XO"... là những tên tuổi cộm cán trên chốn giang hồ mạng và phần nào đó cũng tung hoành ngoài xã hội.
Các đại ca giang hồ mạng. Ảnh cắt từ clip MV ca nhạc. |
Cái hại mà đám giang hồ này gây ra ở ngoài đời là các vụ đâm chém, tệ nạn, còn gây hại trên mạng là ảnh hưởng đến lớp trẻ, điều này nguy hiểm hơn nhiều.
Hội chứng đám đông tung hô Khá "Bảnh" khiến cho nhiều người còn trẻ tuổi nhầm tưởng, họ nghĩ rằng phải đốt xe máy như Khá "Bảnh" mới là dân chơi thứ thiệt được người đời ngưỡng mộ. Loại cao bồi thôn như Khá "Bảnh" mà ra tòa còn có người xem như là anh hùng, dù rất vô lý nhưng đó là sự thật.
Tay anh chị nào cũng khoe tiền bạc, vàng vòng, nói tóm lại là rất thành công về danh tiếng cũng như vật chất. Sống sang trọng, lên xe xuống ngựa, có đàn em hầu hạ, có đám đông đi theo, có fan cuồng ca ngợi.
Phúc XO đeo trên người cả chục kg vàng đi xem bóng đá, xe môtô, ôtô đều mạ vàng bóng loáng, fan không mê mẩn sao được.
Đường "Nhuệ" chụp ảnh với hàng đống tiền rồi đưa lên mạng, Dũng "trọc" cũng đeo vòng xuyến, nhẫn vàng, tất cả đều rất to, rất oai. Thật giả chưa biết, nhưng đám đông muôn đời vẫn là đám đông.
Giới trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới" thấy những hình ảnh đó là choáng ngợp. Thử hỏi học hành làm gì cho mệt, đi theo con đường của các đại ca sẽ nhanh chóng nổi tiếng và nhanh chóng có nhiều tiền.
Các đại ca giang hồ mạng còn phối hợp "đóng phim", tung lên mạng, như tài tử xi nê, oai phong lẫm liệt. Chỉ cần một "xen" đẫm chất "hành động" trên Youtube, thế là nhiều thanh thiếu niên phục sát đất, tôn sùng như thần tượng.
Bắt chước đầu tiên là muốn chứng tỏ mình, phải thể hiện bản lĩnh, phải là tay anh chị thứ thiệt. Cho nên, có hàng trăm vụ ẩu đả, đâm chém, băng nhóm hỗn chiến xảy ra như phim xã hội đen Hồng Kông.
Có những vụ giết người "lãng nhách" và hung thủ ở lứa tuổi quá trẻ.
Rồi bước vào con đường băng nhóm, làm chân đòi nợ thuê, rồi dấn sâu vào con đường phạm tội. Trong đó có ma túy. Ảnh hưởng rất nguy hiểm của giang hồ mạng là ở chỗ này đây.
Mạng xã hội có nhiều điều hay, nhưng không thiếu những điều dở và giang hồ mạng là một ví dụ. Phải tìm cách ngăn chặn loại này bằng mọi cách.
Nhưng nhà trường phải bảo vệ học trò mình, gia đình phải bảo vệ con cái mình trước khi chờ người khác.
Nhà trường phải có những chuyên đề, mời chuyên gia tâm lý thuyết trình các nội dung liên quan đến mạng xã hội, chỉ ra các cạm bẫy tiêu cực, để học sinh hiểu biết, nâng cao nhận thức. Xác định được đó là những điều xấu xa, nguy hiểm cần phải tránh xa.
Đó cũng là cảnh báo với các bậc cha mẹ: Không dạy con mình tốt thì đừng bất ngờ khi ngày nào đó bỗng dưng con mình trở thành Khá "Bảnh".
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)