Đầu tư quá lớn cho trường chuyên của địa phương gây ra không ít hệ lụy như chạy theo thành tích và tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục.
Phụ huynh xem lịch thi vào lớp 10 THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: HUS |
Dư luận đang xôn xao về nội dung dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Hòa Bình quy định giáo sư, phó giáo sư cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên tại trường THPT chuyên sẽ được hỗ trợ 1 tỉ, tiến sĩ được hỗ trợ 300 triệu đồng... Cùng với đó là rất nhiều chính sách ưu đãi về kinh phí cho giáo viên, học sinh tham gia ôn luyện thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và nhiều cam kết giải thưởng.
Bên cạnh mặt tích cực là thu hút chất xám để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, việc các địa phương chú trọng đầu tư vào trường chuyên và chi khen thưởng lớn cho các giải thưởng quốc gia, khu vực và quốc tế vô hình trung khuyến khích học sinh, giáo viên và nhà trường chạy theo thành tích, giải thưởng.
Dư luận đã phản ánh hiện tượng “luyện gà nòi”, học nhồi nhét, căng thẳng quá mức đối với học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Bên cạnh việc bỏ qua các môn học khác, học ôn thi liên tục với các thầy cô ở trường, các thành viên đội tuyển còn phải bỏ kinh phí “tầm sư học đạo” các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia ở Hà Nội, TP.HCM, với hi vọng sẽ bao quát được các dạng đề vô cùng hóc búa của các kì thi.
Một số phụ huynh cho biết chi phí học thêm của một học sinh giỏi quốc gia lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều trường hợp phụ huynh trong lớp phải chung tay đóng góp, chia sẻ kinh phí với các thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Nhiều trường hợp bố mẹ từ chối, xin cho con ra khỏi đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.
“Thấy con học quá vất vả, ngày đêm đánh vật với các dạng bài tập khó, các kiến thức quá cao siêu không phù hợp với học sinh phổ thông, nên tôi kiên quyết xin cho con ra khỏi đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, dù được giáo viên đưa vào danh sách” – một phụ huynh tại Hà Tĩnh chia sẻ.
Đã có không ít những thông tin về hiện tượng tiêu cực đằng sau các kì thi học sinh giỏi quốc gia, thực tế đã có những trường hợp bị phát hiện, xử lý.
Một thực tế đã được phản ánh nhiều, đó là nền giáo dục “lạm phát” về thành tích, danh hiệu, giải thưởng, trong khi trình độ khoa học kĩ thuật đang có khoảng cách rất lớn với các nước phát triển, thiếu vắng các sản phẩm, sáng tạo hữu ích.
Các chuyên gia giáo dục đã cảnh báo về hiện tượng “đại học hóa” tại các trường phổ thông chuyên góp phần đáp ứng cơn khát về thành tích giáo dục, nhưng không đúng với mục tiêu giáo dục phổ thông, xa rời nguyên lý giáo dục “thực học-thực nghiệp” và “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Theo Quang Đại (LĐO)