(GLO)- “Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế, ông Blâm (làng Dôr 1, xã Glar, huyện Đak Đoa) còn đi đầu trong hiến đất làm đường, vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông còn là “cầu nối” đưa những ý kiến, nguyện vọng của bà con đến với cấp ủy, chính quyền địa phương”-bà Lai-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Glar-nhận xét.
Tiên phong hiến đất làm đường
Sở hữu gần 3 ha cà phê, 2 ha lúa nước và đàn heo gần 30 con, gia đình ông Blâm được xếp vào danh sách những hộ có thu nhập cao của làng Dôr 1. Ông nhẩm tính: “2 ha lúa mỗi năm thu gần 300 bao; gần 3 ha cà phê năm vừa rồi thu 13 tấn nhân. Riêng chăn nuôi heo, 3 tháng xuất chuồng 1 lần, mỗi lần khoảng 600 kg”. Một số hộ dân trong làng tìm đến để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi đều được ông hướng dẫn tận tình. “Nhờ có ông Blâm hướng dẫn, mình đã biết dùng vỏ cà phê ủ với phân chuồng một thời gian rồi đem bón cho cây trồng, vừa tốt cho cây, vừa đem lại năng suất cao”-anh Pơn cho biết.
Ông Blâm (bìa phải) trao đổi công việc với cán bộ Ban Công tác Mặt trận thôn. Ảnh: Anh Huy |
Theo ông Yơu-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Dôr 1, sở dĩ dân làng luôn tin tưởng, quý mến ông Blâm vì lời nói và hành động của ông luôn thống nhất. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông luôn nghĩ đến lợi ích chung của dân làng. Nhất là việc ông tự nguyện hiến 5.000 m2 đất để mở đường ra cánh đồng Kơ Tơ. Chia sẻ việc làm này, ông Blâm bộc bạch: “Mình họp các hộ dân có đất sản xuất tại khu vực này để phân tích cho mọi người hiểu việc hiến đất sẽ mang đến lợi ích lâu dài. Khi con đường hình thành, người dân sẽ đi lại thuận lợi”. Theo ông Blâm, nếu tính giá trị diện tích đất đã hiến thì khá nhiều tiền. Tuy nhiên, phải nghĩ đến lợi ích chung, mình được lợi, bà con cũng được lợi. Hơn nữa, đường mở ngang qua đất sản xuất của gia đình, nếu bản thân không gương mẫu đi đầu thì sao vận động được người dân.
Sau khi nhận được sự đồng thuận của các hộ dân, ông phối hợp Ban Nhân dân thôn tiếp tục họp dân để tuyên truyền, vận động các hộ đóng góp ngày công san lấp mặt bằng, làm đường. “Dù có đất sản xuất hay không có đất sản xuất ở cánh đồng Kơ Tơ, mỗi hộ dân đều thống nhất góp 1 ngày công để làm đường. Hàng trăm người cùng tham gia nên con đường nội đồng dài hơn 1 km, trong đó làng Dôr 1 phụ trách gần 400 m đã hoàn thành nhanh chóng”-ông Blâm cho hay.
Gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Vài năm trở lại đây, hầu hết các mâu thuẫn trong làng đều được ông Blâm hòa giải thành công, nhanh thì mất vài giờ, lâu cũng chỉ vài ngày. Đầu năm 2021, bà N. phát hiện chồng có quan hệ bất chính với bà Ng. nên tìm đến tổ hòa giải để nhờ phân xử. Sau khi nắm bắt sự việc, ông Blâm và các thành viên trong tổ hòa giải đã mời các bên có liên quan đến để nghe rõ câu chuyện, đồng thời tiến hành hòa giải. Khi được các thành viên tổ hòa giải phân tích, chồng bà N. đã hiểu ra việc làm của mình là vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật và xin vợ tha thứ. Còn bà Ng. cũng hiểu ra và xin chịu phạt. Sau đó, cả 3 cùng ký cam kết từ nay về sau không nhắc lại chuyện cũ.
Ông Blâm luôn đi đầu trong phát triển kinh tế tại làng Dôr 1 (xã Glar, huyện Đak Đoa). Ảnh: Anh Huy |
Trước đó, ông cũng tham gia hòa giải vụ tranh chấp đất rẫy cà phê giữa ông Phinh và ông Sôi. Cũng theo ông Blâm, trong các vụ mâu thuẫn, nếu đôi bên cùng ngồi lại để nói rõ sự việc, cùng nghe phân tích thì mọi việc nhanh chóng được giải quyết. Song cũng có những vụ việc, đôi bên không chịu ngồi lại cùng nhau, các thành viên tổ hòa giải phải đến nhà này, rồi sang nhà kia nên thời gian hòa giải thường kéo dài hơn. “Mỗi khi đi giải quyết mâu thuẫn, mình luôn nói với các bên liên quan, con người có lúc sai, lúc đúng. Nhưng phải bình tĩnh lại để giải quyết, cho nhau thời gian để nhận ra sai lầm, rồi sửa chữa, đừng quyết định nóng vội”-ông Blâm nói thêm.
Với những đóng góp cho công việc chung, năm 2020, ông Blâm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư từ năm 2018 đến năm 2020.
ANH HUY