Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Hai đạo sắc thần được cấp cuối cùng ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo kết quả khảo sát, điều tra di sản văn tự trên địa bàn tỉnh Gia Lai của chúng tôi, trong số 26 đạo sắc thần hiện còn lưu giữ thì 2 đạo cấp cho xã Chí Thành (xã Tân An, huyện Đak Pơ ngày nay) năm thứ 16 niên hiệu Bảo Đại (1941) là những đạo sắc cuối cùng.

Xã Chí Thành được thành lập khá muộn so với các địa phương khác ở vùng Đak Pơ như An Thuận, Tân Phong, Chí Công. Trung tâm văn hóa của xã Chí Thành là ngôi đình cùng tên, được xây dựng khoảng từ năm 1935 đến 1938, vị trí ban đầu của đình Chí Thành cách đình hiện tại 800 m về phía Đông, sát quốc lộ 19, nay đã thành khu dân cư. Thời chống Pháp, dân làng tản cư và sau năm 1954 mới quay về rồi dời đình đến vị trí ngày nay gần với UBND xã Cư An, cách quốc lộ 19 khoảng 50 m, thuộc thôn Tân Bình, xã Tân An, huyện Đak Pơ.

Đình Chí Thành. Ảnh: Anh Minh

Kiến trúc hiện tại của đình Chí Thành khá khang trang, được trùng tu năm 2016, là kết quả đóng góp tài lực của người dân địa phương. Theo ông Nguyễn Điệp-Phụng tế, Trưởng ban Nghi lễ đình Chí Thành, bình phong, 1 trong 2 trụ biểu, 4 con lân, đôi hạc và một số cánh cửa gỗ tại đây là những di vật hiện còn của đình cũ. Đặc biệt, đình còn giữ được 2 đạo sắc thần năm 1941 do Vua Bảo Đại ban cấp. Trong đó, sắc thứ nhất phong cho thần Thiên Y A Na và sắc thứ 2 phong cho thần Thành hoàng. Đây là những bằng chứng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chứng minh lịch sử của làng cũng như của đình Chí Thành. Tuy vậy, trong các thống kê, giới thiệu về sắc thần tại Gia Lai trước đây, chưa thấy đề cập 2 đạo sắc này. Chúng tôi xin dịch giới thiệu toàn văn nội dung các sắc thần.

Đạo sắc thứ nhất: “Sắc cho xã Chí Thành, huyện Tân An, tỉnh Kon Tum thờ phụng tôn thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thánh mẫu. Thần có công giúp nước che dân, linh ứng đã lâu. Nay ta nối nghiệp lớn theo mệnh trời, nghĩ đến công lao của ngài, phong tặng mỹ hiệu: Trang huy-Dực bảo-Trung hưng, bậc Thượng đẳng thần. Chuẩn cho xã dân phụng thờ. Mong ngài hãy bảo vệ che chở cho con dân của ta. Nay sắc”.

Đạo sắc thứ 2: “Sắc cho xã Chí Thành, huyện Tân An, tỉnh Kon Tum thờ phụng thần Thành hoàng sở tại. Thần có công giúp nước che dân, linh ứng đã lâu. Nay ta nối nghiệp lớn theo mệnh trời, nghĩ đến công lao của ngài, phong tặng mỹ hiệu: Hàm quang-Dực bảo-Trung hưng, bậc Thượng đẳng thần. Chuẩn cho xã dân phụng thờ. Mong ngài hãy bảo vệ che chở cho con dân của ta. Nay sắc”. Cả 2 đạo sắc này đều có chung ngày phong là mùng 8 tháng 2 năm 1941 (âm lịch) và được xác nhận bằng dấu triện vuông kim bảo của nhà vua gồm 4 chữ lớn “Sắc Mệnh Chi Bảo”.

Có khá nhiều điểm đặc biệt liên quan đến 2 đạo sắc thần ở đình Chí Thành. Thứ nhất, đạo sắc phong cho Thành hoàng tại đây bậc “Thượng đẳng thần” tương đương bậc 1, là trường hợp đặc biệt duy nhất thấy tại Gia Lai, bởi trong số sắc thần còn lại của tỉnh, thần Thành hoàng chỉ được phong bậc “Chi thần” tương đương với bậc 3 là hạng cuối cùng. Thứ 2, đạo sắc phong cho thần Thiên Y có tôn hiệu “Thánh mẫu” cũng là trường hợp duy nhất có ở sắc thần tại đình Chí Thành, các sắc còn lại chỉ viết “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”. Thứ 3, về phân cấp đơn vị hành chính, lúc này đã chuyển từ “thôn” sang “xã”, các sắc thời trước đều viết là “thôn”, đến thời kỳ này đổi thành “xã”. Thứ 4, nội dung sắc cho biết: bấy giờ, xã Chí Thành thuộc huyện Tân An và do tỉnh Kon Tum quản lý. Thứ 5, về hình thức trang trí, các sắc thời trước đều dùng chung một mẫu đồ án hoa văn trong việc ban phong cho các vị thần, riêng sắc phong ở đình Chí Thành phân biệt thành 2 mẫu khác biệt: sắc Thành hoàng mặt trước vẽ đồ án hồi long thừa tản vân (rồng ngoái đầu cưỡi mây lơ thơ) và lòng sắc có nhiều chấm tròn nhũ bạc tương đối giống sắc thời kỳ trước, mặt sau vẽ đồ án rồng phụng chầu song thọ (trong khi các sắc thời trước mặt sau vẽ đồ án sách và lá chuối chầu thọ); còn sắc Thiên Y mặt trước vẽ đồ án hồi long ẩn vân (rồng ngoái đầu và ẩn mình trong mây dày) không có các chấm tròn nhũ bạc, mặt sau vẽ đồ án “Tứ linh” long-lân-quy-phụng chầu song thọ. Thứ 6, về kích thước, 2 đạo sắc năm 1941 này có chiều dài và rộng là 123 cm x 50 cm, trong khi các sắc thời Duy Tân (1911) trước đó phổ biến tại Gia Lai là 126 cm x 50 cm. Thứ 7, dấu triện son trên sắc thời Bảo Đại có đặc điểm là nhanh phai màu hơn dấu triện son thời Tự Đức và Duy Tân ở trước, dù rằng có niên đại muộn hơn.

Đây là những thông tin quan trọng giúp cho việc tìm hiểu về lịch sử, địa danh, tín ngưỡng của xã Chí Thành xưa và xã Tân An ngày nay. Đồng thời, cũng là những dấu hiệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu sự chuyển biến trong mỹ thuật, kỹ thuật sắc phong thời Nguyễn, giúp cho việc phân biệt, phân loại trong công tác thẩm định và phục chế sắc thần tại các cơ quan chuyên môn như bảo tàng được cụ thể, chính xác hơn.

Có thể bạn quan tâm